Đẩy nhanh hoàn thiện ‘sợi dây kết nối’ hơn 19.000 tỷ tại TP. HCM với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt của Campuchia
Tuyến đường cao tốc hơn 19.000 tỷ đồng TP. HCM - Mộc Bài đang được thúc đẩy để kết nối với tuyến cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt của Campuchia.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thành lập Nhóm công tác liên ngành nhằm thúc đẩy triển khai các thủ tục kết nối với tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài của Việt Nam với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt của Campuchia.
Theo đó, tại Văn bản số 4314/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các bộ, địa phương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc thống nhất điểm kết nối giữa tuyến cao tốc tại TP. HCM - Mộc Bài với tuyến Phnôm Pênh - Bà Vẹt.
Bộ GTVT có trách nhiệm rà soát Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp; chủ trì thành lập Nhóm công tác liên ngành để thúc đẩy triển khai các thủ tục liên quan đến kết nối hai tuyến cao tốc này.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tây Ninh cùng Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý cửa khẩu biên giới đất liền theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ GTVT hiện đã đề nghị nghiên cứu kết nối giữa cao tốc TP. HCM - Mộc Bài với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt.
Sau khi tiến hành trao đổi và thống nhất với tỉnh Tây Ninh, UBND TP. HCM đã có ý kiến gửi Bộ GTVT; trong đó, tuyến kết nối cao tốc TP. HCM - Mộc Bài với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt nằm ngoài phạm vi dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định chủ trương đầu tư.
Do dự án chưa được xác lập trong các đồ án quy hoạch liên quan như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030... Do đó tuyến nối cần được nghiên cứu bổ sung vào các quy hoạch có liên quan của tỉnh Tây Ninh.
Việc kết nối giao thông và giao thương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia tại cặp cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt thông qua Quốc lộ 22 (phía Việt Nam) và Quốc lộ 1 (phía Campuchia).
Tỉnh Tây Ninh hiện đang tiến hành lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, do đó cần nghiên cứu đoạn kết nối cao tốc qua trị trấn Bến Cầu đến khu vực chốt Cây Me với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt.
Phía UBND TP. HCM nhận định biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia đã nêu rõ: Tuyến đường cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt gần biên giới Campuchia và Việt Nam hiện đang được quy hoạch tại vị trí bên cạnh cột mốc biên giới số 164 tại làng Thiok (cách Quốc lộ 1 - NR1 khoảng 4km), thuộc làng Prey Phdao của xã Chrok Mtes, thành phố Bà Vẹt; nhưng điểm kết nối được đề xuất và kế hoạch phát triển trong tương lai để xây dựng một công trình biên giới mới sẽ tùy thuộc vào quyết định và thỏa thuận tiếp theo của hai Chính phủ.
Theo kiến nghị của Sở GTVT, trước mắt cần xác định điểm cuối của dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài như nghiên cứu, đề xuất của tư vấn TEDI South; nội dung này cũng đã được Chủ tịch UBND TP. HCM và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị trước đó.
Vì thế, Bộ GTVT thống nhất giai đoạn 1 nghiên cứu đầu tư đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài kết nối với cửa khẩu Mộc Bài tại Km53+850, Quốc lộ 22, cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 5km.
Trong thời gian tới , Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm việc với phía Campuchia để có phương án kết nối hai tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bà và Phnom Penh - Bà Vẹt tối ưu.
Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh sẽ sớm có phương án đầu tư mở rộng đường khu vực cửa khẩu Mộc Bài nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, lực lượng giao thông tăng cao sau khi đưa vào khai thác 2 tuyến cao tốc tại Việt Nam và Campuchia.
Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có chiều dài 51km với tổng mức đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua TP. HCM là 24,660km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,317km.
Đường cao tốc nối thủ đô Phnom Penh với TP. Bà Vẹt (giáp với tỉnh Tây Ninh - Việt Nam) có chiều dài 135km với tổng mức đầu tư 1,6 tỷ USD. Tuyến cao tốc này được xây dựng nhằm kết nối, phát triển kinh tế xã hội ở biên giới, đặc biệt nhằm tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi thương mại giữa Campuchia và Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.