Đề nghị nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Bộ GTVT đề nghị Hội đồng xem xét ban hành thông báo kiểm tra công tác nghiệm thu dự án để kịp thực hiện bàn giao, vận hành khai thác dịp 1/5/2021.

Bộ GTVT vừa có báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với công tác đánh giá an toàn hệ thống của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Theo báo cáo của Bộ GTVT được TTXVN dẫn lại, hiện tư vấn ACT (tư vấn Pháp đánh giá và cấp an toàn cho toàn dự án) đã hoàn thành 13 báo cáo; trong đó đã ban hành Chứng nhận kiểm tra dự án và kết quả đã đánh giá đối với 263 nội dung chuyên ngành công trình; đánh giá cho 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro của 11 chuyên ngành thiết bị; đánh giá sự thuần thục của nhân sự trong xử lý 10/63 tình huống khẩn cấp.

Từ khi kiểm tra đánh giá toàn dự án này, tư vấn chỉ ra 16 nội dung khuyến cáo cần phải khắc phục, đến thời điểm trước 31/3/2021, một số nội dung trong các khuyến cáo đã được thực hiện.

Đề nghị nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 1
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sắp được đưa vào vận hành thương mại. Ảnh: VnExpress

Khẳng định các đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống được phê duyệt và nội dung hợp đồng đã ký kết bám theo yêu cầu chung của Thông tư số 16, tuy nhiên, phía Bộ GTVT thừa nhận khi triển khai các nhiệm vụ thì không đánh giá hết được thực trạng của dự án nên đã mất nhiều thời gian để làm rõ với Tổng thầu, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống để khôi phục các tài liệu trước năm 2017, nên việc đánh giá cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống gặp khó khăn, vướng mắc như hiện nay.

“Thời gian qua, Bộ GTVT và Ban quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư) đã làm việc với lãnh đạo tổng thầu EPC Trung Quốc yêu cầu cung cấp hồ sơ an toàn cho đoàn tàu (điện kéo và phanh điện)”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để báo cáo giải trình 16 khuyến cáo mà tư vấn ACT nêu tại báo cáo số 13.

Ngày 23/4/2021, Bộ GTVT có thư gửi tư vấn ACT khẩn trương xem xét để cấp chứng nhận an toàn hệ thống và dự kiến ngày 28/4/2021, tư vấn ACT sẽ hoàn thành việc cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Hiện nay, dự án đã hoàn thành công tác vận hành an toàn hệ thống cuối năm 2020, sau đó tổng thầu đã phối hợp cùng với Công ty Metro Hà Nội duy trì chạy 2 đôi tàu trên tuyến để tiếp tục kiểm tra, đánh giá tính ổn định của hệ thống thiết bị và nâng cao tính thuần thục cho các nhân sự tham gia vận hành.

Ban quản lý dự án đường sắt, tổng thầu, tư vấn giám sát đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình và đang thực hiện kiểm đếm, chuyển giao hồ sơ và các công việc phục vụ cho công tác bàn giao với Công ty Metro Hà Nội.

Trên cơ sở hồ sơ nghiệm thu hoàn thành dự án, chứng nhận an toàn hệ thống do tư vấn ACT cấp (dự kiến ngày 28/4/2021), kèm theo 16 vấn đề khuyến cáo đã được Bộ GTVT chấp thuận và ý kiến của thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đề nghị Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành xây dựng công trình dự án của chủ đầu tư.

Sau khi có chứng nhận an toàn hệ thống do ACT cấp (dự kiến vào ngày 28/4/2021) và chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành, Bộ GTVT đề nghị Hội đồng xem xét ban hành thông báo kiểm tra công tác nghiệm thu dự án để kịp thực hiện công tác bàn giao, vận hành khai thác dịp 1/5/2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục lùi thời gian vận hành thương mại.

Theo thông tin từ Công ty Metro Hà Nội, khi đưa đưa dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào khai thác thương mại tới đây sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm.

Tuyến đường sắt này khi khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ-23 giờ hàng ngày. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến.

Theo tính toán, đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ. Như vậy, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.

Về giá vé tuyến đường sắt đô thị này, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau.

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

 

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt