Điểm tin bất động sản tuần qua: CEO Bất động sản Nhật Nam bị khởi tố, Quảng Ngãi sắp đón khu công nghiệp hơn 41.000 tỷ

Những thông tin bất động sản tuần qua đã trở thành điểm sáng của thị trường, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp…

 

Nguồn: Royalcapitalgroup.vn
Nguồn: Royalcapitalgroup.vn

Bà Vũ Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam đang bị tạm giữ để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội vừa ra thông báo số 5305/TB-CSĐT-Đ2 về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ người đối với bà Vũ Thị Thuý - CEO Bất động sản Nhật Nam.

Theo thông báo, bà Thuý đã có hành vi đưa thông tin sai sự thật về Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên.

Sau đó, vị CEO Bất động sản Nhật Nam đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, vi phạm vào Khoản 4 Điều 174 Bộ Luật Hình sự.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức họp lấy ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Thanh.

Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Thanh có diện tích khoảng 3.396ha, nằm ở phía Đông Quốc lộ 1, thuộc địa bàn 6 xã thuộc huyện Bình Sơn. Dự án này nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, có tứ cận phía Đông giáp trục kinh tế phía Đông (D3 – đi cầu Cổ Lũy – Cảng Dung Quất), phía Tây giáp Quốc lộ 1 và Khu dân cư xã Bình Hiệp, phía Nam giáp khu vực núi Đồng Lụa, núi Phượng Hoàng và phía Bắc giáp đường Võ Văn Kiệt.

Đơn vị tư vấn đã đề xuất các phương án tối ưu để tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn. Trong đó, đáng chú ý là phương án được định hướng để thực hiện dành phần lớn diện tích quy hoạch cho mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Cụ thể, bố trí quỹ đất công nghiệp tập trung có diện tích lên đến 2.087ha (phía Đông đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi hơn 1.321ha, phía Tây đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi hơn 765 ha) với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật (công trình dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, bãi đỗ xe, giao thông khu công nghiệp…), đảm bảo các yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường, thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư.

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Theo đó, UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Tổng số 53 dự án, sử dụng 7.725ha đất, trong đó huyện Yên Thủy 4 dự án, diện tích 35,2ha; huyện Cao Phong 4 dự án, diện tích 2.991ha; huyện Tân Lạc 2 dự án, diện tích 1,6ha; huyện Kim Bôi 12 dự án, diện tích 248,4ha; TP Hòa Bình 7 dự án, diện tích 50,5ha; huyện Lương Sơn 4 dự án, diện tích 125,9ha; huyện Đà Bắc 9 dự án, diện tích 2.451ha; huyện Mai Châu 7 dự án, diện tích 1.699ha; huyện Lạc Sơn 4 dự án, diện tích 121,6ha.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, tổng hợp và đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư.

Sau một khoảng thời gian dài chậm tiến độ, cầu Long Đại hiện đang được hoàn thiện từng ngày, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý 4 năm nay.

Theo đó, cầu Long Đại (tên cũ là cầu Phước Thiện) là một cây cầu nối đôi bờ sông Tắc, thuộc địa phận phường Long Bình và Long Phước, TP Thủ Đức. Cây cầu này được phê duyệt đầu tư vào năm 2015.

Dự án cầu Long Đại có tổng mức đầu tư hơn 353 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, khởi công vào cuối tháng 3/2017. Cầu nối liền hai phường Long Bình và Long Phước thuộc địa bàn quận 9 cũ. Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối giao thông khu vực và thúc đẩy nền kinh tế, xã hội.

Theo kế hoạch đề ra, cầu dự kiến hoàn thành sau hai năm, song phải tạm ngưng thi công vào năm 2019 do vướng giải phóng mặt bằng, người dân không đồng ý với mức giá đền bù.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư) cho biết, hiện dự án đã đạt 95% khối lượng công việc. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và thông xe trong quý 4/2023.

Sau 3 năm trì trệ, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực gỡ vướng cho dự án giải quyết ngập do triều khi trình Thủ tướng 2 phương án chủ chốt.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), phương án thanh toán bằng quỹ đất kết hợp tiền.

Ngày 30/8, công ty Trung Nam thông tin, dự án đã đạt 93% khối lượng công việc, trong đó tại 9 hạng mục chính của dự án, gồm: Cống Bến Nghé (đạt 97%), cống Tân Thuận (93%), cống Phú Xuân (90%), cống Mương Chuối (93%), cống Cây Khô (86%), cống Phú Định (88%), tuyến đê kè (85%), cầu Kinh Bà Bướm (92%), Nhà quản lý trung tâm (85%), hệ thống SCADA cũng đã hoàn tất mua thiết bị và nhập kho cũng như hoàn tất lắp đặt kết cấu các hạng mục.

Dự án chỉ còn 7% khối lượng nhưng phải dừng lại từ tháng 11/2020 bởi vốn đầu tư đã tăng thêm 3.000 tỷ đồng và phát sinh lãi vay hơn 1.500 tỷ đồng và lãi ngày 1,46 tỷ đồng.

Để gỡ vướng, UBND TP Hồ Chí Minh đã có 2 văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất hướng xử lý cụ thể.

Thuỳ Anh

Theo Chất lượng và cuộc sống