Doanh nghiệp bất động sản buộc phải tái cấu trúc để chọn hướng đi an toàn
Trước việc thiếu hụt dòng tiền, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu lại tổ chức, sản phẩm, hoạt động tài chính để chọn hướng đi an toàn hơn.
Sau khi ngân hàng siết tín dụng bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng thị trường sẽ bước vào giai đoạn khó khăn với nhiều rủi ro đang chực chờ, nhất là đối với trái phiếu doanh nghiệp. Trước việc dòng tiền bị tắc nghẽn, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu lại hoạt động tài chính của doanh nghiệp để chọn hướng đi an toàn hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 2 năm qua, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó” khiến các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực rất nhiều để cầm cự và vượt qua giai đoạn này. Tuy nhiên trong trường hợp khủng hoảng như hiện nay, bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn.
Ông Châu cho rằng, mặc dù thị trường trong giai đoạn trầm lắng và khó khăn nhưng cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực,…coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
Theo CEO một nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Q.3, TP.HCM, từ đầu quý 2/2022 đến nay thị trường gần như đóng băng, thanh khoản trên thị trường có giảm hiệu giảm sút nhất là căn hộ chung cư. Trong giai đoạn này các doanh nghiệp phải nắm rõ nguồn lực nội tại của doanh nghiệp để có hướng đi và kế hoạch phù hợp. Với giai đoạn khó khăn như hiện nay, đa số doanh nghiệp lựa chọn thu hẹp chi phí, cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp sao cho phù hợp với tình hình thị trường và nguồn lực của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, hiện nay đang là quý 4/20222 nhưng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn trong huy động vốn để về đích kế hoạch cuối năm. Nhiều doanh nghiệp mong muốn nhanh chóng được bù đắp dòng tiền để hoàn thiện các dự án dang dở sắp hoàn thiện, đẩy mạnh bán hàng nhanh thu tiền về, giải quyết khó khăn trước mắt.
Theo LS Nguyễn Thanh Hà, dù muốn hay không trong bối cảnh như hiện nay, đa số doanh nghiệp đang phải tái cấu trúc quy mô, quy trình, phương thức quản lý... để tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời tìm cách nâng cao năng suất lao động, cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí và tập trung vào những dự án kinh doanh cốt lõi để ra dòng tiền trước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường các hoạt động M&A, chấp nhận bán bớt các dự án mà họ thấy không đủ vốn để làm hoặc là những dự án nếu chậm triển khai. Để trả nợ trái phiếu đáo hạn, hiện nay một số doanh nghiệp bất động sản thực hiện hoán đổi trái phiếu cho nhà đầu tư bằng cổ phiếu hoặc căn hộ với chiết khấu cao nên cũng giảm được phần nào áp lực.
Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá và có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro... là điều tất yếu.
Ngoài tín dụng, doanh nghiệp bất động sản cần linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, từ quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính...
Doanh nghiệp bất động sản phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết... Đặc biệt, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng cụ thể và đi kèm quản lý rủi ro tài chính về dòng tiền, lãi suất, tỷ giá...