Doanh nghiệp bất động sản đã chuẩn bị gì cho kịch bản 6 tháng cuối năm 2023?
Được đặt nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi của thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2023. Vậy thì doanh nghiệp địa ốc đã chuẩn bị những phương án nào cho kịch bản có thể xảy ra?
Doanh nghiệp “lao đao” trong 6 tháng đầu năm
Thống kê từ Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản 2023 trong nửa đầu năm chỉ có 187.000 giao dịch thành công, giảm 63,87%, trong đó số lượng giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm đến 59,31% so với 6 tháng cuối năm 2022. Giai đoạn này, có khoảng 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 22,6%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022 và vốn đăng ký mới của doanh nghiệp cũng giảm mạnh.
Bên cạnh đó, số liệu khác từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra rằng, nguồn cung giảm sút kéo theo mất doanh thu của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đến thời điểm này 90% doanh nghiệp được VARS khảo sát đều ghi nhận giảm doanh thu.
Trong đó, doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên giảm từ 20 - 50%, doanh nghiệp quy mô trên 100 nhân viên giảm 70 – 80%. Đáng chú ý, hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản trong khảo sát buộc phải giảm lương nhân sự từ 10 - 20%.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp quy mô dưới 50 người còn cắt giảm tới trên 90% hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên do không còn nguồn lực cầm cự...
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% (so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4%.
Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn hiện nay như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.
“Thị trường bất động sản suy yếu mạnh từ đầu năm 2022, tình trạng này vẫn tiếp tục duy trì đến tận thời điểm này và chưa thấy dấu hiệu dừng lại. Qua khảo sát tình hình sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi thấy rằng nếu không có giải pháp nào mang tính đột phá thì tới 23% số doanh nghiệp đang còn hoạt động có thể duy trì đến hết quý III/2023 và 43% còn trụ được đến hết năm 2023” - Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho hay.
Doanh nghiệp lên kế hoạch “vượt bão”
Để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, trong giai đoạn này, các nhà phát triển bất động sản cần tái cấu trúc sản phẩm, tập trung vào phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật, giữ uy tín và cam kết để tạo lập niềm tin với nhà đầu tư và người mua.
Đồng thời, nhằm kích cầu đối với thị trường cũng như tạo ra dòng tiền, nhiều chủ đầu tư đã mạnh tay giảm giá dự án, thậm chí là chiết khấu sâu để tạo thanh khoản.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản lần lượt giảm giá mạnh. Nhà phố, biệt thự, đất nền và cả căn hộ hình thành trong tương lai giảm giá bình quân 15-20%, mức giảm sâu đã ghi nhận được 25-30%, cá biệt có một số trường hợp rớt giá kịch sàn là 50% so với quý II/2022.
Để tự cứu mình, nhiều chủ đầu tư đã mạnh tay giảm giá dự án nhằm tạo thanh khoản và dòng tiền. |
Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam về thị trường bất động sản TPHCM và vùng phụ cận cho thấy, nhiều chủ đầu tư buộc phải áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh. Đáng chú ý, có dự án giảm đến 52% giá bán niêm yết căn hộ.
Còn về biệt thự nghỉ dưỡng, theo báo cáo tháng 5 của đơn vị này, nhiều chủ đầu tư tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40% - 50%… nhằm kích cầu khách mua.
Nhằm tạo hướng đi cho doanh nghiệp địa ốc thời gian tới, VARS đã phân nhóm các doanh nghiệp phát triển bất động sản và đề xuất hướng xử lý riêng cho từng đối tượng.
Đối với các doanh nghiệp còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”, VARS cho rằng cần khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm.
Trong đó, các chủ đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường, nên nhanh chóng đưa ra các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu ở thực.
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý. VARS cho rằng các đơn vị này nên tổ chức những chương trình xúc tiến đầu tư. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh quá trình kêu gọi đầu tư hoặc mua bán và sáp nhập (M&A).
Còn lại là nhóm doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án.
Trong trường hợp này, Nhà nước nên có biện pháp hỗ trợ, thực hiện việc mua lại các sản phẩm của doanh nghiệp, sau đó hoàn thiện những thủ tục vướng mắc còn tồn tại và có thể bán đấu giá dự án để lựa chọn nhà đầu tư mới phù hợp hơn.
“Song song với các kế hoạch trên, Nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc chung cho toàn thị trường bằng các nghị định, chính sách sát thực, cụ thể, nhắm đúng vấn đề thị trường đang trông đợi”, báo cáo của VARS nhấn mạnh.