Doanh nghiệp bất động sản đang quan sát chặt chẽ các động thái điều chỉnh thị trường

Dù các kênh vốn trên thị trường khá đa dạng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

 

Doanh nghiệp bất động sản đang quan sát chặt chẽ các động thái điều chỉnh thị trường - Ảnh 1
 

Toàn cảnh vĩ mô kinh tế năm 2022

Tại Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam quý 4/2022 công bố mới đây, Colliers (Việt Nam) đã tổng hợp lại một số chỉ tiêu vĩ mô chính của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, sự phát triển của thị trường bất động sản là một cấu phần gắn bó mật thiết không thể tách rời và là một trong những “hàn thử biểu” quan trọng của nền kinh tế, trong đó, các chỉ số vĩ mô chính là những biến số quyết định diễn biến của thị trường bất động sản.

Cụ thể, về tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2022 ước tính tăng 5,92% so với quý 4/2021, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Về chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý 4/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Doanh nghiệp bất động sản đang quan sát chặt chẽ các động thái điều chỉnh thị trường - Ảnh 2
Ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers (Việt Nam).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 4/2022 ước đạt 63,6 tỷ USD, tăng 4,8% q-o-q và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 238,5 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2021, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12 đạt 707,1 nghìn lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Về cán cân thương mại, trong quý 4/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý 3/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.

Trong khi đó, quý 4/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý 3/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD).

Giải pháp huy động vốn cho các doanh nghiệp

Theo ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers (Việt Nam) doanh nghiệp bất động sản đang quan sát chặt chẽ các động thái điều chỉnh thị trường của Chính phủ cũng như những sửa đổi luật và quy định trong thời gian tới.

Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2023, ông David Jackson cho rằng lạm phát và lãi suất cao bắt đầu có tác động đến hầu hết các phân khúc bất động sản tại Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022. Giao dịch trầm lắng do dòng tiền chưa khơi thông, thị trường nhà ở và bất động sản thương mại như văn phòng và căn hộ dịch vụ dự kiến chững lại trong những quý đầu trong năm 2023.

Tuy nhiên, ông David Jackson cũng cho rằng nhà đầu tư vẫn nhìn thấy cơ hội ở các nhóm tài sản thuộc phân khúc công nghiệp, bán lẻ và bất động sản nghỉ dưỡng. Đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản đang quan sát chặt chẽ các động thái điều chỉnh thị trường của Chính phủ cũng như những sửa đổi luật và quy định trong thời gian tới.

Tính đến ngày 20/12/2022, lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút hơn 4,45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông David Jackson cho rằng, đây là một trong những điểm sáng làm tiền đề tốt cho thị trường bất động sản trong năm 2023. Điều này cũng cho thấy niềm tin lạc quan của nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giới đầu tư đa quốc gia đánh giá các tài sản thương mại chất lượng cao có giá trị lâu dài ít bị tác động bởi lạm phát và lãi suất, và Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư tiềm năng nhất.

Dù vậy, theo ông David Jackson vẫn còn đó nhiều thách thức và các hoạt động tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán & sáp nhập (M&A) sẽ tiếp diễn trên thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023.

Còn theo của ông Neil MacGregor, giám đốc điều hành của Savills Việt Nam, để đảm bảo ngành bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc, giải pháp huy động vốn cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Trong khi các kênh huy động vốn đều không khả thi, các doanh nghiệp nên tìm đến kênh vốn đầu tư nước ngoài như một giải pháp phù hợp.

Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút bất động sản, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất, chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển