Doanh nghiệp buộc phải bán tài sản giảm thiếu rủi ro, tái cấu trúc bằng ngoại lực
Thị trường bất động sản rơi vào tình trạng suy thoái, chưa thể vực dậy trong một thời gian ngắn khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư rơi vào cảnh lao đao. Con đường tái cấu trúc là lựa chọn tất yếu để doanh nghiệp được tồn tại nhưng, điểm chung của các doanh nghiệp này là đều cần một trợ lực từ bên ngoài để giải quyết vấn đề. Nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước đang bị siết chặt ở mọi nguồn.
Tinh gọn danh mục đầu tư, tập trung hoạt động cốt lõi
Khi thị trường thuận lợi thì việc nhiều doanh nghiệp địa ốc có xu hướng mở rộng mạng lưới đầu tư nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhưng ở giai đoạn hiện nay thì tinh gọn bộ máy, giảm đầu tư dàn trải là việc mà các doanh nghiệp lớn lựa chọn để tái cấu trúc thành công.
Hình minh họa. |
Điều này có thể nhìn thấy rõ ở các ông lớn trong ngành bất động sản từ hoạt động thoái vốn, thu gọn quy mô đầu tư. Đơn cử như tại Tập đoàn Novaland, Khó khăn từ thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp điêu đứng buộc đơn vị phải chuyển nhượng một công ty con hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, ăn uống là Nova F&B cho đối tác Singapore.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới thông qua nghị quyết bán 100% vốn góp tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec – công ty con đang quản lý, khai thác toàn bộ thiết bị máy móc của tập đoàn, giá trị thương vụ khoảng 1.100 tỷ đồng. Bên mua là Ashita Group, một doanh nghiệp chuyên buôn bán máy móc, thiết bị công trình.
Trước đó, vào hồi tháng 5/2023, HĐQT Xây dựng Hòa Bình đã có nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ 3 do Nuance chỉ định với giá 167 tỷ đồng.
Điều tương tự cũng diễn ra với Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) khi vào đầu năm nay, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua chủ trương rút khỏi lĩnh vực y tế theo hướng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp thuộc sở hữu của Tasco tại Công ty TNHH T’Hospital (tỷ lệ sở hữu 100%), để tập trung vào 3 ngành kinh doanh cốt lõi là hạ tầng giao thông, thu phí không dừng và kinh doanh bất động sản.
Các doanh nghiệp bắt tay nhau vượt qua khó khăn
Trong bối cảnh dư nợ trái phiếu tăng cao, kỳ hạn trả lãi và đáo hạn ngày càng tới gần khiến các doanh nghiệp phải chịu áp lực rất lớn về tài chính. Nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước bắt tay nhau, bắt tay cùng doanh nghiệp nước ngoài hay buộc phải bán bớt cổ phần, bán bớt tài sản là các dự án mà đơn vị đó đang thược hiện. Cũng nhờ đó mà các doanh nghiệp khó khăn có thể tiếp tục duy trì, hoàn thiện những dự án đang dở trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn như trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa. |
Tại Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 đã thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho một doanh nghiệp BĐS khác để triển khai dự án tại Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội).
Tại Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, đơn vị này đã tham gia liên minh các nhà thầu (liên danh Hoa Lư) để cạnh tranh gói thầu lớn nhất (1,5 tỷ đô la Mỹ) và quan trọng nhất của sân bay Long Thành. Theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình, các đối thủ của công ty bất ngờ trở thành đồng minh trong liên danh như Coteccons, Unicons, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An. Nếu trúng thầu trong dự án này có thể là một động lực tích cực cho quá trình phục hồi của Hòa Bình nói riêng cũng như là các nhà thầu còn lại.
Không chỉ cộng sinh trong liên danh Hoa Lư, doanh nghiệp này cũng huy động “ngoại lực” để tái cấu trúc nợ bằng cách hông qua phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với số vốn có thể huy động được là 3.288 tỷ đồng. Theo thông tin từ lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình, hiện có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành của công ty. Trong đó, có một đối tác đến từ Úc sẵn sàng chi 60 – 100 triệu đô la Mỹ để mua cổ phiếu HBC.
Hya như gần đây, Tập đoàn Keppel (Singapore) vừa công bố sẽ cùng quỹ đầu tư Keppel Việt Nam (KVF), gọi chung là Keppel Consortium, chi khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần hai dự án gồm Emeria (6 hecta) và Clarita (5,8 hecta) ở thành phố Thủ Đức của Công ty cổ phần Nhà Khang Điền. Theo kế hoạch, Keppel và Khang Điền sẽ cùng phát triển tổng cộng hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư, trên tổng diện tích khoảng 11,8 hecta. Tổng chi phí phát triển hai dự án này, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến khoảng 10.200 tỷ đồng.
Và mới đây, Frasers Property Vietnam vừa thông báo chính thức về việc hợp tác với Gelex Group, tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu trong nước. Theo đó, hai bên sẽ cùng triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc Việt Nam với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu đô la Mỹ.
Có thể thấy, xu hướng tái cơ cấu dự án, tài sản và dòng tiền của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang được đẩy mạnh ngay cả các doanh nghiệp lớn. Có thể, thời gian tới nhiều dự án bất động sản được sang tay hoặc nhiều doanh nghiệp sẽ đổi chủ sau khi chuyển nhượng cổ phần.
Trong xu hướng này, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho biết chưa bao giờ doanh nghiệp này nhận được nhiều yêu cầu tư vấn mua bán sáp nhập (M&A) từ những doanh nghiệp bất động sản đang “khát” vốn như hiện nay. Thực tế cho thấy hiện có nhiều chủ tài sản chịu áp lực về tài chính do lãi suất rất cao. Vì vậy, các chủ sở hữu đang tìm cách cơ cấu lại nợ và vốn chủ sở hữu trong các dự án của họ thông qua bán một lượng cổ phần hoặc cổ phần chi phối.