Doanh nghiệp ngoại vẫn lựa chọn Việt Nam: Lời người trong cuộc
Theo chuyên gia, việc doanh nghiệp nước ngoài chuyển sản xuất đi đâu là bài toán chiến lược.
Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đẩy mạnh đầu tư, rót thêm vốn vào Việt Nam
Tại Tọa đàm “COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 27/9, đại diện một số doanh nghiệp FDI đánh giá, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài trong tầm nhìn dài hạn và bền vững bởi tình hình chính trị xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.
Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định, doanh nghiệp này không thay đổi chiến lược kinh doanh do đại dịch Covid-19.
Với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại quốc gia này.
"Nếu trước đây Samsung chỉ đầu tư và sản xuất, lắp ráp thì sắp tới tập đoàn sẽ nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để đưa Samsung Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu", đại diện Samsung Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Choi Joo Ho cho biết, hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm R&D này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại đây.
Đại diện Samsung Việt Nam khẳng định, nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn.
Trong 6 tháng đầu năm công ty này vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, và nếu nhà máy Samsung tại TP.HCM sớm hoạt động trở lại thì hãng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.
Trong khi đó, là một trong những nhà đầu tư vừa quyết định mở rộng đầu tư tại quốc gia này, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương.
Về lý do Nestlé quyết định mở rộng đầu tư, ông Binu Jacob cho hay cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé, vì vậy, tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất mới tại Đồng Nai.
Thống kê của Bộ KH-ĐT về tình hình sản xuất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời.
Quay lại Trung Quốc không dễ
Trước đó, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, gồm Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đã đồng loạt ký tên trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Trong thư, cả bốn hiệp hội đều nhấn mạnh, Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Nếu chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam. Trước hết doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.
Các hiệp hội nước ngoài cho rằng doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.
“Các cuộc khảo sát mà các hiệp hội của chúng tôi đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, với nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác”, nội dung văn bản cho biết.
Tờ CNBC của Mỹ cũng cho biết, những khó khăn trong sản xuất đã khiến một số công ty nước ngoài phải cân nhắc lại quyết định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam.
Tờ báo này thông tin, một số công ty đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và vào Việt Nam trong vài năm qua - nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tránh thuế quan - đã đi xa hơn khi nói rằng họ đang đưa sản xuất trở lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), việc doanh nghiệp nước ngoài quay lại Trung Quốc không hề đơn giản.
Vị chuyên gia nhắc lại trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút sản xuất ra khỏi Trung Quốc là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, để tránh bị áp thuế cao hơn đối với các sản phẩm. Trên thực tế, quá trình này còn bắt đầu sớm hơn do mức sống ở Trung Quốc tăng lên đáng kể, chi phí lao động cũng tăng ảnh hưởng đến lãi suất, còn chiến tranh thương mại chỉ thúc đẩy nó. Bản thân chính quyền Biden cũng không huỷ bỏ mức thuế cấm đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
"Ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể quay lại Trung Quốc như một phương án tạm thời trước mắt. Lý do là vì, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, họ chỉ chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc chưa hề rút đi toàn bộ, cho nên, khi sản xuất ở Việt Nam hay quốc gia nào đó - nơi họ đặt nhà máy, gặp trục trặc thì họ có thể tranh thủ đẩy mạnh sản xuất ở Trung Quốc để duy trì sản lượng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam lý giải và đánh giá trước mắt, doanh nghiệp nước ngoài ứng phó như vậy là hợp lý, tuy nhiên, về lâu dài thì chưa thể đoán định được.
"Các doanh nghiệp nước ngoài so sánh Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực như sự lựa chọn để đầu tư, nhưng chuyển đi đâu là bài toán có tính chiến lược.
Sức hấp dẫn nhất của Trung Quốc chính là thị trường rộng lớn gần 1,4 tỷ dân, các quốc gia đều muốn thâm nhập để tận dụng sức tiêu thụ hàng hóa của thị trường này. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều mảng làm ăn khác với Trung Quốc không dễ dàng.
Doanh nghiệp nước ngoài quay lại Trung Quốc không đơn giản, mà nguyên nhân quan trọng nhất là vì Trung Quốc chưa có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, quản lý nhà nước vẫn nặng về các biện pháp hành chính, bảo hộ cho doanh nghiệp nhà nước. Có một số ngành trước đây được Trung Quốc mở cửa, phát triển mạnh nhưng giờ cũng bắt đầu siết lại như công nghệ. Đặc biệt, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các quốc gia phát triển chưa ổn thỏa", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại phân tích.