Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cơ hội đầu tư trong khu công nghiệp lớn?
Đại diện VCCI cho biết thực tế các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận các khu công nghiệp lớn bởi rào cản về quy định diện tích tối thiểu, điều kiện thanh toán, phí sử dụng hạ tầng cao,...
Cụ thể, tại phiên thảo luận Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam ngày 18/9, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng thực tế trong nhiều năm qua việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó. Các tỉnh, thành phố hầu như không có chương trình riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực và nỗ lực cho các dự án lớn, các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa cũng không cạnh tranh được với nhóm doanh nghiệp thân hữu vì thực tế ở Việt Nam, doanh nghiệp phải biết ai thì việc tiếp cận đất đai dễ hơn so với khả năng, trình độ kinh doanh. Việc phân bổ đất đai trên thực tế chưa tự nguyện, có tình trạng địa phương lấy đất của doanh nghiệp nhỏ để giao cho doanh nghiệp lớn hơn.
Ngoài ra, việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế rất ít. Nhiều địa phương, có tình trạng lãnh đạo địa phương không biết luật này, thậm chí chưa có chương trình triển khai.
Theo đại diện VCCI, hệ quả là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít và họ cũng ít có cơ hội mở rộng kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay với vấn đề về môi trường, làng nghề, việc tiếp cận vốn cũng khó vì không có đất đai, tài sản để thế chấp. Bức tranh khu vực kinh tế tư nhân thời gian vừa rồi rất khiêm tốn.
Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, bên cạnh tăng cường đấu giá, đấu thầu sử dụng đất, Luật đất đai sửa đổi lần này cũng cần có chế định khác để cân bằng lại quyền lợi các doanh nghiệp. Nếu chỉ đấu giá, đấu thầu mà tiền sử dụng đất tăng lên thì cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ càng khó.
Theo ông Tuấn, từ dữ liệu khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá chất lượng quản trị công trong lĩnh vực đất đai không có chuyển biến tích cực đáng kể trong gần một thập kỷ qua. Điều này biểu hiện qua việc điểm chỉ số thành phần gốc về Tiếp cận đất đai (một trong 10 chỉ số thành phần của PCI) có xu hướng giảm kể từ năm 2013.
Kết quả phân tích cũng chỉ ra doanh nghiệp phải đối diện với nhiều rào cản trong tiếp cận đất đai, như thủ tục hành chính phiền hà, gánh nặng chi phí không chính thức còn phổ biến, việc hỗ trợ tiếp cận thông tin về đất đai chưa tích cực. Các trở ngại này khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Ngoài ra, việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai ở các địa phương còn thiếu nhất quán, chẳng hạn như việc điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất hay xác định giá đền bù khi thu hồi đất.
Ông Tuấn cho rằng, đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này đang trong quá trình phục hồi sau khoảng hai năm chống chịu những tác động nặng nề do đại dịch Covid-19. Một trong các giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là thông qua kênh tiếp cận tín dụng.
Tuy nhiên theo kết quả khảo sát PCI 2021, “tiếp cận tín dụng” là một trong những thách thức lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ khoảng 33% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 (tính cả doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và doanh nghiệp FDI) hiện đang có khoản vay từ các tổ chức tín dụng.
Trong số 2/3 doanh nghiệp còn lại chưa tiếp cận được tín dụng thì lý do hàng đầu là do họ không có tài sản thế chấp (với tỷ lệ 80% doanh nghiệp). Khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đi tìm những nguồn cho vay khác như vay từ bạn bè, người thân, hoặc cầm cố, bán tài sản.
Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp tư nhân trong PCI 2021, 4% doanh nghiệp chấp nhận đi vay từ nguồn “tín dụng đen” với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất trung bình khi vay từ các tổ chức tín dụng.
Trong các loại tài sản thế chấp thường được các tổ chức tín dụng chấp nhận, đất đai và tài sản gắn liền với đất có lẽ là loại tài sản thế chấp phổ biến nhất. Chính vì thế, nếu doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc họ có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Dù vậy, dữ liệu khảo sát PCI từ năm 2006 đến nay lại phản ánh một thực tế là tỷ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khiêm tốn. Năm 2021, chỉ 42,9% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất họ đang dùng để kinh doanh – thấp nhất trong các năm PCI tiến hành điều tra.
Việc nắm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp đảm bảo quyền tài sản và tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về triển vọng đầu tư dài hạn. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc “an cư” của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được đảm bảo để nghĩ tới việc đầu tư thêm hay mở rộng quy mô.
Đồng thời, ông Tuấn cũng cho rằng việc khó tiếp cận nguồn lực đất đai, không có quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thiếu đi một loại tài sản thế chấp để có thể tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi không tiếp cận được tín dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho tài sản mới (chẳng hạn đất đai, nhà xưởng).