Tìm giải pháp gỡ khó cho tình trạng “khát” vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại Diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” diễn ra chiều ngày 21/1, đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ giữa lúc khó khăn do COVID-19 hiện nay, các ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ vốn, điều kiện cần đơn giản hơn…
Cần gia hạn thời hạn trả nợ
Theo bà Ngô Thu Diễm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch 5S, đối với một công ty, vốn ổn định là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển. Trong thời buổi khó khăn do dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp (DN) chúng tôi rất mong các thủ tục vay vốn của ngân hàng sẽ dễ dàng, dễ hiểu và đơn giản hơn một chút.
Việc hạ lãi suất hay giữ nguyên không quan trọng bằng việc gia hạn thời hạn trả nợ. Gia hạn thời gian trả lãi suất cũng rất quan trọng bởi vì trong bối cảnh hiện nay khi chưa kiểm soát được dịch bệnh hoàn toàn để hoạt động du lịch trở lại bình thường với số lượng du khách bằng với những năm trước sẽ là hơi khó. Do đó, 5S rất mong các ngân hàng có chính sách hỗ trợ nhiều hơn, mạnh hơn đối với các DN du lịch.
Với các cơ quan quản lý, trong quá trình dịch bệnh, một số thủ tục thay đổi, DN mong các cơ quan quản lý Nhà nước có sự hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn đối với các thủ tục hành chính để các DN du lịch bắt kịp được với xu thế, từ đó xoay chuyển các sản phẩm và điều chỉnh hướng kinh doanh của mình.
“Việc VINASME tổ chức diễn đàn như thế này rất có ích cho cộng đồng DN. DN sẽ hiểu được mình sẽ được hỗ trợ như thế này, từ đó có chiến lược, định hướng kinh doanh phù hợp với thời thế hiện tại”, bà Diễm nói.
Không có tài sản đảm bảo, công ty công nghệ gặp khó khi vay vốn
Theo bà Trần Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế ATT, thời gian qua các ngân hàng đã vào cuộc hỗ trợ rất tốt cho DNNVV, đặc biệt là các DN có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và không có tài sản đảm bảo thì chưa có giải pháp để hỗ trợ.
Do đó, bà Mai mong muốn ngân hàng có giải pháp đối với các DN về công nghệ có các sản phẩm tốt và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
“Thực ra một số DN sản phẩm, dịch vụ của họ rất tốt rồi, họ chỉ cần ngân hàng hỗ trợ thêm về tài chính thì DN sẽ phát triển rất tốt. Và khi DN phát triển hiệu quả thì lúc đó phần vốn với các DN công nghệ thực sự là không khó bởi vì nếu sản phẩm, dịch vụ tốt thì rất nhiều đơn vị, quỹ sẽ đầu tư, rót vốn vào. 2 năm qua, các DN rất khó khăn trong việc thanh toán lương, bảo hiểm cho người lao động. Không ít DN nợ tiền bảo hiểm nhưng việc ngân hàng vẫn tính lãi suất khiến cho DN càng khó khăn hơn. Ngân hàng có thể hỗ trợ cho DN bằng việc chỉ yêu cầu DN trả phần thực tế thôi, không tính thành nợ, điều này sẽ giảm gánh nặng tài chính cho DN”, bà Mai nhấn mạnh.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ thuế
Trao đổi bên lề Diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty xuất khẩu Vietgo nhấn mạnh tới hai vấn đề liên quan đến hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ nhất, hiện nay muốn để bộ phận xuất khẩu phát triển mạnh hơn, chúng ta cần khuyến khích các đội ngũ công ty thương mại xuất khẩu. Trong cấu trúc thị trường hiện nay, chúng ta đang khuyến khích các công ty xuất khẩu nói chung. Trong khi các công ty thương mại lại nắm vị trí dẫn dắt. Công ty sản xuất đôi khi không nhanh nhẹn bằng công ty thương mại trong việc xuất khẩu. Từ đó, ông Việt đề xuất việc xem xét hỗ trợ công ty thương mại ưu đãi hoàn thuế VAT.
Theo ông Việt, Chính phủ chúng ta mất rất nhiều công để dành được các ưu đãi về FTA, về thuế, thuế nhập khẩu từ đầu bên kia đối với các DN nước ngoài khi nhập khẩu hàng về Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta lại tạo ra những rào cản phi thuế quan làm cho các doanh nghiệp chịu thêm thuế 7% là quá đáng tiếc.
“Những nước xung quanh chúng ta như Malaisia, Indonesia họ không có ưu đãi về FTA như Việt Nam nhưng họ lại có những ưu đãi nội địa như hoàn thuế VAT, thì họ đã có được 7%. Đây là ưu thế không nhỏ. Chúng ta chỉ cần tăng phần hỗ trợ doanh nghiệp lên thì tự khắc đối tượng thương mại sẽ nhanh nhẹn trong tiếp cận thị trường và giúp các công ty sản xuất lưu thông hàng hoá tốt hơn”, ông Việt nói.
Thứ hai, đề xuất nhận được hỗ trợ từ các ngân hàng. Hiện nay các ngân hàng đang chăm sóc các công ty xuất khẩu không được tốt. Đa số các công ty sản xuất hiện nay có cơ sở sản xuất nằm ở các tỉnh, mà các chi nhánh các ngân hàng ở các tỉnh, đội ngũ tư vấn về thanh toán quốc tế rất yếu. Làm cho các công ty xuất khẩu rất khó lấy được nguồn vốn ngoại. Làm cho nhiều đơn hàng bị huỷ.
Theo ông Việt, hệ thống ngân hàng nên có bộ phận người tài từ trung ương, có kết nối với cac DN ở tỉnh, giúp cho phần thanh toán quốc tế được trơn tru. Hỗ trợ các DNNVV có thể tiếp cận với các dòng vốn ngoại.
Hiện nay chúng ta ký được FTA rất nhiều tuy nhiên đã có đến 75% DN xuất khẩu là DN FDI, do đó DNNVV cần hỗ trợ để chúng ta có thể cân đối được tỷ trọng đó, giúp cho nền kinh tế có thể phát triển mạnh hơn.
Tìm giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME nhấn mạnh: Vốn luôn cần cho các tổ chức kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Quá trình phục hồi kinh tế có thể kéo dài 3 - 5 năm và có thể lâu hơn, nhưng giai đoạn đầu là quan trọng nhất và vốn rất cần cho giai đoạn đầu này. Do vậy ý nghĩa của việc tăng cường mọi khả năng cung cấp nguồn vốn cho DN, đặc biệt với DN nhỏ, siêu nhỏ là điều sống còn với DN sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19.
“Vốn như dòng máu. Trong khi đó, DN nhỏ và siêu nhỏ có đặc điểm là quy vốn rất ít. Vì thế sau gần 2 năm khó khăn bởi đại dịch khiến thu nhập và doanh thu giảm sút, nguồn vốn đã cạn kiệt. Do vậy, các chính sách, giải pháp, ví dụ như Diễn đàn hôm nay sẽ có rất có ý nghĩa, ghi nhận những ý kiến, đề xuất nhằm tháo gỡ nguồn vốn cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho DN. Mặt khác còn thể hiện được cách làm chính sách từ tình hình thực tế cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.
Tại sự kiện, PGS - TS Trần Đình Thiên cũng cho hay thời gian qua, ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các giải pháp tiền tệ. Có thể nói rằng, vài trò của ngân hàng là rất lớn.
Về mặt tương quan, ông Thiên đánh giá rất cao năng lực của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trong việc hỗ trợ DN thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ông cho rằng DN cần nhiều hơn thế.
Nếu như được cộng hưởng vưới chính sách tài khoá và các chính sách của Chính phủ nhiều hơn nữa thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Cũng theo ông Thiên, DN cần tiếp cận vốn. Nhưng điều kiện để DN tiếp cận vốn ngày càng khó. Dưới tác động của dịch bệnh, nhiều DN đã phải tạm ngừng hoạt động một thời gian dài, hiện không có doanh thu, không có lợi nhuận, không trả được vốn thì sẽ rất khó vay. Điều này Chính phủ cần phải ưu tiên quan tâm, các chính sách tài khoá cần phải có những giải pháp giúp ngân hàng.
“Ngân hàng không thể hạ điều kiện cho vay xuống, vì họ vẫn cần phải đảm bảo an toàn. Nếu hạ thêm nữa sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngân hàng”, ông Thiên nhấn mạnh, đồng thời cho hay hiện nay chúng ta có Quỹ hỗ trợ lãi suất cho DN. Nhưng với thực trạng DN khó tiếp cận được vốn vay như hiện nay thì Quỹ hỗ trợ này khó thực hiện. Vì vậy cần có Quỹ bảo lãnh vay cùng với sự tham gia tích cực của các bộ phận liên quan làm sao để giảm thiểu rủi ro nhất có thể. Đây chính là mấu chốt để giải quyết các vấn đề hiện tại.
DN hiện nay đang rất khát vốn. Thậm chí nhiều DN nói rằng họ sẵn sàng vay với lãi suất cao để cứu DN của mình.
Còn theo ông Trần Văn Hiển, Phó trưởng ban đào tạo, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, thời gian qua, Ban đào tạo thuộc HHDNNVV đã có nhiều đề xuất hỗ trợ cho cộng đồng DNNVV.
Thứ nhất, trong năm 2019 và 2020 đã triển khai các khoá đào tạo cùng một số ngân hàng như BIDV, SHB nhằm nâng cao năng lực cho các DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn vay. Cùng với đó là đào tạo hỗ trợ cho DN sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Ngoài ra, Hiệp hội còn giúp các DN tiếp cận các chương trình dự án, đào tạo hỗ trợ cho các DN nâng cao năng cạnh tranh trong quá trình tiếp cận nguồn vốn. Qua đó, các DN đã có điều kiện cùng với các tổ chức, quỹ tín dụng nâng cao năng lực tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn.
Hiện tại, DN cũng đã có những sự thay đổi rất quan trọng. DN đã hoàn thiện hơn, nâng cao năng lực, hồ sơ gửi qua ngân hàng thì họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, ông Hiển cho biết thêm.
“Với vai trò là đại diện cộng đồng DNNVV, phía Hiệp hội cũng đang nỗ lực để tiếp cận với các nguồn vốn từ các dự án, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hiển nói.
Tại sự kiện, bà Trương Thị Ny - Đại diện của Hội đồng Phát triển Kinh tế Châu Âu (EEDC) bày tỏ: Ngoài các ngân hàng thì các tổ chức tài chính, tín dụng, các Quỹ đầu tư cũng là một kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp. EEDC có sự liên kết với các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp hy vọng sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.