Đồng Nai không đồng ý phương án xây dựng cầu Mã Đà và làm đường xuyên Khu bảo tồn thiên nhiên

Cho rằng làm đường qua Khu bảo tồn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nên tỉnh này không đồng ý làm.

Một góc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai  
Một góc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai  

Ngày 24/5, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về nội dung tham gia ý kiến phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh nhận thấy việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến giao thông qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, các loài động vật quý hiếm, hệ sinh thái tự nhiên, phá vỡ cảnh quan, không phù hợp với chủ trương xuyên suốt về bảo vệ rừng của tỉnh Đồng Nai.

Phương án này ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Đây là tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ, có hệ sinh thái rừng đa dạng và nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện nay, diện tích rừng tại Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn đang có sự liên kết với nhau và đây là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Khu vực này đang là vùng sống của quần thể voi châu Á hoang dã (nội địa). Đây là một trong những loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Số lượng của quần thể voi chỉ còn lại khoảng 20 cá thể. Bên cạnh đó, khu vực còn là nơi sinh sống của các quần thể bò tót, voọc chà và chân đen, các loài cu li... Đây cũng là các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định của Chính phủ.

Ngoài ra, việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường xuyên khu bảo tồn còn vi phạm quy định pháp lý liên quan đến rừng như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa.

UBND tỉnh Đồng Nai luôn xác định khu bảo tồn là tài sản vô giá của khu vực miền Đông Nam bộ và của cả nước. Từ năm 1997, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có và thực hiện một số giải pháp lâm sinh để làm giàu rừng. Đến nay, rừng của khu bảo tồn đã phát triển, nâng cao.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khu vực này có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia: Di tích Trung ương cục Miền Nam, Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, Di tích Địa đạo Suối Linh nên việc xây dựng sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đồng thời, khu vực là căn cứ kháng chiến trước đây, là nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ủy Ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MABVN) cũng có văn bản kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà vì việc xây dựng đường, cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài hơn 40 km đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng. Điều này sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai gây nguy cơ tuyệt chủng một số động vật hoang dã do các phương tiện lưu thông. Đây là các hoạt động vi phạm nghiêm trọng Chiến lược Seville của UNESCO/MAB.

Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai không đồng ý thực hiện phương án xây dựng cầu Mã Đà và làm đường xuyên tâm khu bảo tồn.

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đồng ý làm theo phương án kết nối tuyến ĐT.753 với đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng kết nối về đường Vành đai 4 TP.HCM (qua Bình Dương). Tuyến này tận dụng được các tuyến đường theo quy hoạch của tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Cự ly kết nối từ TP. Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 ngắn nhất.

Chi Lê

Theo Chất lượng và Cuộc sống