Dòng tiền vẫn đổ vào nhóm bất động sản trong phiên 9/8
Đa số các cổ phiếu bất động sản tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 9/8 và có đóng góp lớn trong việc giúp các chỉ số tăng điểm.
Sau phiên điều chỉnh hôm thứ Sáu tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với những diễn biến thận trọng. Nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh nên các chỉ số rơi vào trạng thái giằng co, biến động hẹp quanh mốc tham chiếu. Thậm chí, VN-Index và HNX-Index ngay đầu phiên đã bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ lực đẩy của một số mã trụ cột nên hai chỉ số này nhanh chóng hồi phục.
Đà tăng của các chỉ số thực sự mạnh sau giờ nghỉ trưa, khi đó, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường và giúp kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá. Trong đó, MSN tăng 4,8%, GVR tăng 2,9%, VJC tăng 1,8%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hỗ trợ vào đà tăng của các chỉ số. Trong nhóm vốn hóa lớn của ngành bất động sản, VHM tăng đến 3,1% lên 117.400 đồng/cp và có đóng góp lớn cho VN-Index. Bên cạnh đó, BCM cũng tăng 4,7% lên 46.800 đồng/cp, VRE tăng 2,3% lên 28.600 đồng/cp, THD và PDR tăng lần lượt 0,2% và 0,1%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn hút được dòng tiền tốt, trong đó, nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ đồng loạt tăng trần như SSH, HRB, VRC, DTA, ASM… Bên cạnh đó, BII tăng đến 6,8% lên 9.400 đồng/cp, DIG tăng 6% lên 30.800 đồng/cp, IDJ tăng 5,6% lên 16.900 đồng/cp, IDC tăng 5% lên 35.800 đồng/cp.
VCR tăng 4,4% lên 23.500 đồng/cp. Mới đây, VCR đã thực hiện phát hành 30 triệu cổ phiếu phổ thông, tự do chuyển nhượng để chuyển đổi 3 triệu trái phiếu vào ngày 5/8. Với giá chuyển đổi 10.000 đồng, tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng. Việc chuyển đổi được thực hiện theo yêu cầu của trái chủ Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
SIP và ITA phiên này đều tăng giá bất chấp kết quả kinh doanh quý II công bố không được tích cực. Đối với SIP, doanh nghiệp này lãi ròng sau thuế quý II đạt 327 tỷ đồng, giảm 7,8%. Dù vậy, lũy kế 6 tháng, lãi ròng của công ty vẫn tăng 31% lên 513 tỷ đồng.
Đối với ITA, công ty lãi sau thuế quý II gần 39 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự SIP, lãi 6 tháng của ITA vẫn tăng 29% lên 95 tỷ đồng.
Ở hướng ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản vẫn đi theo chiều hướng tiêu cực trong đó có 2 mã vốn hóa lớn là VIC và NVL với mức giảm lần lượt 0,2% và 1,4%. Một số mã thanh khoản cao giảm giá còn có PV2, PVL, HQC…
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,41 điểm (1,37%) lên 1.359,86 điểm. Toàn sàn có 271 mã tăng, 97 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,22 điểm (2,05%) lên 537,25 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 61 mã giảm và 74 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (1,25%) lên 89,38 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với 773 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 23.975 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng khoảng gần 100 tỷ đồng trong phiên 9/8, trong đó, VHM đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 359 tỷ đồng, DXS cũng bị bán ròng 19 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC bị bán ròng gần 88 tỷ đồng. Bên cạnh VIC, 2 mã bất động sản khác cũng bị bán ròng mạnh là NVL và DIG với lần lượt 52 tỷ đồng và 31 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCK chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường nhưng vẫn còn sự thận trọng nhất định từ nhà đầu tư. Trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên tăng này thì VN-Index đã vượt qua được vùng target của sóng hồi b theo lý thuyết nên sẽ cần quan sát thêm diễn biến thị trường trong phiên tiếp để đưa ra nhận định về xu hướng chính xác hơn. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 10/8, thị trường sẽ có một phiên giao dịch quan trọng xem động lượng hiện tại có thể giúp chỉ số VN-Index vươn đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm hay sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.325 - 1.350 điểm.