Dòng vốn bắt đầu “tương tác” với thị trường bất động sản
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã liên tục được tiếp cận dòng vốn nhờ nỗ lực tháo gỡ nút thắt tín dụng, tái tạo dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản. Các kênh dẫn vốn bắt đầu có dấu hiệu tương tác với thị trường nhà đất, đây cũng là thời điểm thị trường sẵn sàng bước vào chu trình “rã đông”.
Nhiệt độ thị trường gia tăng khi vốn chảy vào bất động sản
Trong bối cảnh dòng tiền khó, thị trường bất động sản gần như đóng băng, các dòng vốn vài bất động sản bị tắc nghẽn do hoạt động đầu cơ cao khiến thị trường khó càng thêm khó.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 27/6, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,03%, song riêng tín dụng kinh doanh bất động sản 5 tháng đầu năm tăng tới 14%. Con số này có thể chưa phản ánh đúng bản chất tăng trưởng tín dụng bất động sản (do dựa trên nền thấp cuối năm 2022 và tín dụng kinh doanh bất động sản chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng tín dụng bất động sản), nhưng phần nào cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bắt đầu phát huy tác dụng.
Ngoài tín dụng ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6/2023 cũng bớt ảm đạm hơn tháng 5/2023. Ngay cả các doanh nghiệp bất động sản cũng huy động được hơn 6.000 ttỷ đồng qua kênh trái phiếu trong tháng 6, sau 2 tháng vắng bóng. Chỉ tính riêng lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đã cao hơn 3 lần tháng trước.
Hay như nguồn tiền từ thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng trở lại. Trường hợp chứng khoán tăng lên mức 1.300 - 1.400 thì một lượng tiền lớn sẽ đi vào nền kinh tế và bất động sản.
Trong khi đó, gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng cũng bắt đầu khởi động. Một nguồn vốn khác đang được doanh nghiệp bất động sản tận dụng là kênh mua bán, sáp nhập (M&A). Nhất là càng về thời điểm cuối năm, sức nóng của hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) càng được nhân lên. Trong đó, nổi bật là động thái “rót vốn” của loạt nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án bất động sản tại Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội sắp tới của thị trường, bà Hồ Thị Kiều Trang, Trưởng phòng Cao cấp Nghiên cứu Ngành Bất động sản HSC, cho biết, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là động lực quan trọng cho sự phục hồi bất động sản, giúp tăng giá trị sản phẩm. Với tổng ngân sách hơn 700.000 tỷ đồng chảy vào, thị trường bất động sản sẽ gián tiếp được hỗ trợ về thanh khoản.
Từ những cơ hội trên, cả người mua, nhà đầu tư, sàn giao dịch lẫn chủ đầu tư lúc này đang sẵn sàng đón một "cuộc đua" mới khi ghi nhận nhiều dự án giao dịch đã bắt đầu tăng trở lại.
Một chu kỳ bất động sản mới sẽ được mở ra
Nghẽn về pháp lý, mất cân đối về cơ cấu sản phẩm, thị trường chưa minh bạch, niềm tin của nhà đầu tư lẫn khách hàng sụt giảm, nguồn vốn hạn chế… đó là hàng loạt khó khăn, thách thức mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt. Tuy nhiên, những “điểm nghẽn” này sẽ từng bước được tháo gỡ trong năm 2023.
Trước những nỗ lực khơi dậy, đả thông dòng tiền bất động sản, giới chuyên gia đánh giá khả quan về thị trường trong thời gian tới. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: Chậm nhất là đầu năm sau, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, bởi 3 lý do. Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường nhà ở xã hội. Tôi hy vọng từ quý IV/2023, thị trường sẽ thẩm thấu các chính sách tốt hơn. Thứ hai, thời gian qua, NHNN đã giảm mạnh lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay thời gian tới sẽ tiếp tục giảm. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản. Thứ ba, mong rằng vấn đề pháp lý cho thị trường bất động sản tới đây sẽ được tháo gỡ nhờ Quốc hội thông qua một số dự luật liên quan đến bất động sản (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản). Pháp lý rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn trong mua bán, kinh doanh bất động sản.
Cũng đưa ra dự báo cho thị trường bất động sản cho thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư được nhanh chóng.
“Chúng tôi dự đoán quý IV/2023 là thời điểm bắt đầu phục hồi. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc do các chính sách tháo gỡ khó khăn đang từng bước có tác động tốt đến thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng.
Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ quốc Quốc gia cũng hy vọng rằng, đợt phát hành sắp tới bán được thêm thì quý II đến quý III/2024 sẽ có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ.
Thông tin từ một Hội thảo bất động sản mới đây, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), cho hay, một công ty thành viên của Dat Xanh Services đã chốt giao dịch thành công hơn 100 sản phẩm chỉ trong 10 ngày cuối cùng tháng 3 đã cho thấy tín hiệu lạc quan của thị trường. Tuy chưa nhiều nhưng số lượng giao địch tăng nhanh hơn mỗi ngày đã phần nào khởi sắc cho thanh khoản thị trường sau thời gian dài nằm đáy...
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng rất mong chờ Ngân hàng Nhà nước "bung" dần thêm các cánh cửa để bơm vốn vào bất động sản, như "nắn" hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản khác nhau, cùng với đó là sửa đổi quy định cho phép ngân hàng thương mại đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có quỹ riêng để phát triển nhà ở xã hội để huy động nguồn vốn xã hội nhiều hơn vào lĩnh vực này. Hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã được triển khai, song lãi suất vẫn còn cao đối với người thu nhập thấp.