Khi nào doanh nghiệp bất động sản mới “thoát khó”?

Kể từ thời điểm giữa năm 2022, khi thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn cũng là lúc các doanh nghiệp trong ngành lâm vào cảnh khó khăn. Từ “thanh lọc” nhân sự đến nỗi lo dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể trụ lại với thị trường trường.

 

Khi nào doanh nghiệp bất động sản mới “thoát khó”? - Ảnh 1

Doanh nghiệp bất động sản liên tục “rơi rụng”

Mặc dù, không thể phủ nhận rằng, thị trường bất động sản trong thời gian gần đây đã đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực về dòng tiền, số lượng dự án được gỡ vướng pháp lý tăng lên, giao dịch ở một số phân khúc đã quay trở lại. Tuy nhiên, cuộc chiến để trụ lại thị trường của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vẫn đang diễn ra rất khốc liệt.

Theo Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý II/2023 do Bộ Xây dựng công bố trước đó cho thấy, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Số doanh nghiệp bất động sản có xu hướng giải thể tăng. Lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới thì giảm khoảng 61,4%.

Mới đây nhất, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, trong 9 tháng đầu năm 2023, có 3.394 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, con số này giảm 52,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 9 tháng qua là 963 doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình, mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời bỏ thị trường.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt có thể chia làm ba nhóm chính:

Thứ nhất là khó khăn về mặt pháp lý. Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc.

Thứ hai là khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện: “Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …”, báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay.

Cuối cùng là khó khăn về nguồn vốn: Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). “Theo đó, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đặc biệt là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu...”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản của thị trường bất động sản thấp, dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành.

“Do đó, ngoài việc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự từ đầu năm đến nay, hoặc người lao động còn chủ động xin nghỉ việc. Có nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay...”, Bộ Xây dựng đề xuất.

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng thị trường sớm phục hồi

Trong bối cảnh “khó khăn chồng chất”, điều mà doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng nhất chính là sự phục hồi của thị trường chung cũng như niềm tin của người mua nhà và nhà đầu tư được cải thiện. Từ đó, thanh khoản thị trường được cải thiện, vấn đề bán hàng của các chủ đầu tư cũng sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để thị trường bất động sản thực sự phục hồi khi mà thời gian qua, sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành với những chính sách vẫn chưa thực sự “ngấm” vào thị trường.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ giao dịch sôi động trở lại từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thị trường.

Thực tế, doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện tại đã có thể nhìn thấy những hy vọng khi đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, trước sự nỗ lực của Chính phủ và bản thân doanh nghiệp, nhiều “vật cản” của thị trường đang dần được tháo gỡ. Lấy đơn cử như, trong một báo cáo mới đây của UBND TP Hồ Chí Minh đã cho thấy, từ cuối năm 2022, thành phố đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh Bất động sản. Đến nay đã có 113 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố được rà soát để tháo gỡ vướng mắc.

Khi nào doanh nghiệp bất động sản mới “thoát khó”? - Ảnh 2
Nhiều tín hiệu lạc quan cho doanh nghiệp bất động sản (Ảnh minh họa).

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên toàn quốc.

Cụ thể, trong thời gian qua tổ công tác nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 183 dự án trên cả nước. Tổ công tác đã xử lý 119 văn bản và Bộ Xây dựng đã có 35 văn bản hướng dẫn.

Kết quả, TP Hồ Chí Minh đã giải quyết được 67 dự án, Hà Nội giải quyết được 419 dự án, đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, dòng tiền vào thị trường bất động sản cũng đang dần được cải thiện khi lãi suất được điều chỉnh, các gói tín dụng 120.000 tỉ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được đẩy nhanh giải ngân….

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế nhận định, những chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn trong năm 2024.

Trong đó, bất động sản khu vực phía Nam với sự nhạy bén của doanh nghiệp cũng như bệ đỡ là hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm đang xây dựng như cao tốc, vành đai, sân bay…sẽ có tốc độ phục hồi tốt hơn ở phía Bắc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, các chính sách của Chính phủ dự kiến cần thời gian để thị trường thẩm thấu. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư đã dần tích cực và góp phần để đà phục hồi diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.

“Diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu bất động sản trở về với giá trị thực. Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều vào năm 2024 trong điều kiện các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như hiện nay”, ông Quốc Anh dự báo.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển