Dự án đường ven sông tại Quảng Ninh tăng 635 tỷ đồng vốn đầu tư

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng khoảng 635,2 tỷ đồng dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều giai đoạn 1.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) - giai đoạn 1 mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang từ 15-31 m thành 60 m.

Ngoài ra, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư khoảng 635,2 tỷ đồng từ 1.482,33 tỷ đồng lên 2.117,6 tỷ đồng. Các nội dung khác giữ nguyên theo quyết định phê duyệt dự án hồi tháng 10/2019.

Được biết, Dự án tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 41 km (đoạn qua thị xã Quảng Yên dài một km, TP Uông Bí 13,67 km và thị xã Đông Triều 26,53 km). Trong đó, đoạn từ nút giao đầm Nhà Mạc đến tỉnh lộ 338, giai đoạn 1 có chiều dài 11,5 km. Dự án được triển khai từ tháng 6/2021.

Quy mô 6 làn xe, tiêu chuẩn đường cấp 2 đối với tuyến chính và hai làn xe đường cấp 3 đối với đường song hành hai bên, đường gom chạy hai chiều. Dự án có tổng mức đầu tư trên 9.400 tỷ đồng, điểm đầu tại Km4+800 đường tỉnh 338, đấu nối vào tuyến đường Khu công nghiệp Amata, điểm cuối giao cắt với QL18 tại khu vực cổng tỉnh.

Bản đồ giới tuyến đường ven sông. (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh).
Bản đồ giới tuyến đường ven sông. (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh).

Để triển khai dự án, Quảng Ninh thực hiện GPMB, thu hồi hơn 400 ha đất, ảnh hưởng đến gần 3.500 hộ dân thuộc thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí và thị xã Đông Triều.

Trong đó, thị xã Đông Triều có diện tích GPMB lớn nhất với gần 288,43 ha đất phải thu hồi, ảnh hưởng đến 2.762 hộ dân thuộc 12 xã, phường; TP Uông Bí thực hiện thu hồi 147 ha, liên quan đến gần 500 hộ dân. Diện tích còn lại thuộc thị xã Quảng Yên, liên quan đến hơn 100 hộ dân.

Quảng Ninh xúc tiến đầu tư năm 2022

Trong kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), ngày 26/7, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Hội tụ và lan tỏa”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, Quảng Ninh là địa phương thể hiện được rõ nét nhất tiềm năng phát triển và sự năng động của Việt Nam. Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.

Quảng Ninh có sân bay quốc tế, có cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đồng thời phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại kể cả hạ tầng công nghệ thông tin, có môi trường kinh doanh thuận lợi.

Do vậy, Chủ tịch VCCI tin tưởng rằng, hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2022 sẽ là dấu mốc quan trọng để Quảng Ninh thu hút đầu tư, bứt phá mạnh mẽ nhiều hơn trong thời gian tới.

Là địa phương có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN; Quảng Ninh còn có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cùng những đặc sắc “có một, không hai” của vịnh Bái Tử Long cùng mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, thương cảng Vân Đồn; có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí)…

Những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị.

Quảng Ninh có chuỗi các khu kinh tế trọng điểm như: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, 15 khu công nghiệp hiện hữu và 8 khu công nghiệp trong tương lai, chuỗi đô thị biển, ven biển.

Tỉnh luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, thành lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống