Dự kiến cần 180 ngàn tỷ đồng phát triển ngành công nghiệp TP Cần Thơ đến 2030
Ngày 15/8, Viện kinh tế - xã hội (KT-XH) TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về đề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Công nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của TP Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong suốt thời gian dài, tỷ trọng của khu vực II (Công nghiệp - Xây dựng) chiếm gần 33% trong cơ cấu GRDP của TP, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm cao nhất (hơn 25%).
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản đã đóng góp đến 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Cần Thơ. Đây là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông, thuỷ sản chủ lực cho vùng ĐBSCL. Hiện nay khu vực II của TP Cần Thơ đứng thứ 2 trong vùng, sau tỉnh Long An.
Tuy nhiên, TP Cần Thơ chưa thật sự trở thành trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của vùng ĐBSCL, tỷ lệ đóng góp của ngành này cho vùng chưa cao; tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao còn thấp. Việc thu hút nguyên liệu từ các tỉnh lân cận trong vùng để chế biến thành sản phẩm tinh chưa nhiều.
Song song đó, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) lớn chưa đủ sức hấp dẫn… Đặc biệt, quy mô DN trong lĩnh vực công nghiệp của thành phố có đến 96% là DN vừa và nhỏ, trong đó 57% là DN siêu nhỏ. Ngoài ra TP Cần Thơ có số dự án FDI thấp nhất so với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Từ bối cảnh trên, đề án được triển khai (theo QĐ số 1647) nhằm đánh giá hiện trạng và xác định các vấn đề trọng tâm cho phát triển công nghiệp của TP, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề xuất các danh mục đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, các định hướng chiến lược, cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực này trên địa bàn.
Theo mục tiêu và đề án đề ra, giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này là 75 - 80 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hoá cao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 90 - 100 ngàn tỷ đồng.
Để đạt được đề án và mục tiêu đề ra, cần có giải pháp đột phá, bố trí vốn từ các nguồn ngân sách theo quy định của pháp luật để tạo quỹ đất sạch tại các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của Trung ương và TP. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, phát triển theo hướng chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh bao gồm khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, không gian sáng tạo, khởi nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất được các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của đề án. Những công việc cần phải làm và đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, giải pháp phát triển lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các giải pháp phụ thuộc vào Trung ương.