Đường sắt thuê luật sư đòi đất vàng: Làm rõ đúng sai

Muốn thu hồi được đất, hợp đồng góp vốn phải được tuyên hủy, người làm sai phải chịu trách nhiệm.

Thông tin với báo chí mới đây, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam  (VNR) cho biết, đã thuê luật sư để nghiên cứu hồ sơ, thực hiện các bước thủ tục để có thể thu hồi lại lô đất số 80 Lý Thường Kiệt – 22 Phan Bội Châu đã góp vốn đầu tư trái quy định trước đó.

Trao đổi với báo Đất Việt, LS Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, ngành đường sắt muốn lấy lại hai lô đất trên thì cần phải giải quyết theo cơ chế tòa án.

Lý do vì, tại Kết luận 2222/TTCP–KL của Thanh tra Chính phủ đã cho biết, 2 lô "đất vàng" 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được Nhà nước cho VNR thuê và hết hạn từ năm 1996. Tuy nhiên, VNR vẫn góp vốn quyền sử dụng hai lô đất trên để hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.

Điều này được xác định, VNR lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương, quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

Như vậy, ở đây không chỉ có mối quan hệ theo hợp đồng thuê đất giữa Nhà nước với ngành đường sắt nữa mà còn có mối liên quan giữa ngành đường sắt với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. Ngành đường sắt và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn là hai pháp nhân độc lập, có hợp  đồng hợp tác làm ăn với nhau, vì thế, muốn thu hồi được đất thì hợp đồng giữa hai pháp nhân trên phải bị hủy.

Trong trường hợp này, tòa án tuyên bố người ký quyết định góp vốn đã thực hiện sai quy định, đất chuyển nhượng sử dụng sai mục đích được giao, hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn lúc đó sẽ không có hiệu lực, sẽ bị vô hiệu hóa. 

"Khi tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng có vi phạm, bị vô hiệu hóa thì cũng phải đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người ký quyết định mang đất của nhà nước đi góp vốn với doanh nghiệp trái phép, gây thiệt hại cho nhà nước có khuất tất, mờ ám, có tiêu cực hay không?

Điều này cũng đồng nghĩa với việc đúng - sai sẽ phải được làm sáng tỏ. Ai quyết định sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên cũng như cho Nhà nước.

Nếu xác định Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn có dấu hiệu đi đêm, bắt tay với người ký quyết định mang đất đi góp vốn thì hai lô đất trên phải bị thu hồi và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cũng phải chịu trách nhiệm, không được bồi thường.

Nếu người ký quyết định là do yếu kém, hoặc do lợi ích cá nhân mà quyết định mang đất đi góp vốn thì hoàn toàn sẽ phải trách nhiệm về mặt luật pháp cũng như phải tự bỏ tiền túi ra bồi thường.

Phía đường sắt cũng có thể khởi kiện người đã ký ban hành quyết định sai trái, đòi bồi thường thiệt hại cho chính ngành đường sắt", ông Phượng nói.

Vị LS nhấn mạnh, cần phải làm thật nghiêm, phải quyết tâm thu hồi bằng được hai lô đất trên vì, ngoài mục đích khắc phục thiệt hại cho Nhà nước thì còn nhằm mục đích răn đe, bảo đảm tính công minh, nghiêm khắc của pháp luật.

"Chỉ khi làm nghiêm, xử nghiêm mới hạn chế được tiêu cực, tham nhũng, cán bộ mới không dám làm sai", ông Phượng nói.

 

Theo Thái Bình/ Báo Đất Việt

 

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/duong-sat-thue-luat-su-doi-dat-vang-lam-ro-dung-sai-3412390/

Tin liên quan