Eximbank lên kế hoạch lợi nhuận tăng 24%, khoá room ngoại ở mức 6%

Nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank, đồng thời, để giữ và duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư, Eximbank đề xuất tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 6% vốn điều lệ từng thời kỳ.

Eximbank dự báo 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Các yếu tố như lãi suất, tỷ giá và rủi ro từ thị trường tài chính quốc tế sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức không nhỏ cho ngành ngân hàng.

Trong đó, về lãi suất và tỷ giá, Eximbank dự báo lãi suất toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi tỷ giá có thể biến động mạnh do những tác động từ chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Về rủi ro thị trường tài chính, các biến động chính trị, xung đột địa chính trị và sự bất ổn của thị trường năng lượng toàn cầu có thể gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường tài chính quốc tế, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động của Eximbank.

Trong nước, mặc dù nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ổn định, các ngành xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường quốc tế. Đồng thời, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được theo dõi sát sao để hạn chế rủi ro.

Dẫu vậy, Eximbank vẫn tin rằng sự phục hồi dần của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, cùng với xu hướng chuyển đổi số và phát triển công nghệ, sẽ mở ra những hướng đi mới cho ngành ngân hàng.

Theo đó, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% so với thực hiện năm 2024. Cùng với đó, tổng tài sản dự kiến đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%; huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%.

Eximbank lên kế hoạch lợi nhuận tăng 24%, khoá room ngoại ở mức 6% - Ảnh 1

Về phương án phân phối lợi nhuận, Eximbank dự kiến trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, phúc lợi hơn 895 tỷ đồng và không thực hiện chia cổ tức năm 2024 nhằm mục đích củng cố năng lực tài chính.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ về việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của khối ngoại tại Eximbank được thực hiện theo quy định không quá 30% vốn điều lệ.

Nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank, đồng thời, để giữ và duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào Eximbank, HĐQT ngân hàng trình ĐHĐCĐ xem xét, thông qua đề xuất quy định tổng mức đầu tư sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 6% vốn điều lệ từng thời kỳ.

Được biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này đang ở mức 3,79% (ghi nhận trong phiên chiều 9/4). Trước đó, Eximbank từng có một cổ đông lớn lâu năm thuộc khối ngoại là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), nắm vốn từ năm 2007 khi cùng tham gia vào liên minh chiến lược.

Tuy nhiên, SMBC cho biết những thay đổi quan trọng trong môi trường kinh doanh đã dẫn đến việc cả 2 bên đồng ý ngưng liên minh. Cổ đông ngoại này cũng đã rút dần khỏi Eximbank vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 sau 15 năm.

Đáng chú ý, ngân hàng còn trình cổ đông về phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm, nhằm tuân thủ quy định pháp luật và chuẩn bị phương án dự phòng để đảm bảo khôi phục hoạt động bình thường của ngân hàng, đảm bảo quyền lợi của cổ đông, các khách hàng và các bên có liên quan.

Nội dung tờ trình bao gồm các biện pháp triển khai nhằm khắc phục từng trường hợp vi phạm dẫn đến can thiệp sớm như lỗ luỹ kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, CAR nhỏ hơn 8%, xếp hạng dưới trung bình theo quy định của Thổng đốc Ngân hàng Nhà nước, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng,…

Hải Đường

Theo Vietnamfinance