Ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm: Lo ảnh hưởng mạch nước ngầm

Các chuyên gia, cơ quan địa chất, thủy văn cần vào cuộc để xác định tuyến metro có làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm quanh Hồ Gươm không.

Thiết kế vị trí ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm - thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam bày tỏ quan điểm, không nên làm ga ngầm C9 ở cạnh Hồ Gươm bởi mọi tác động đến tầng địa chất ở khu vực này đều ảnh hưởng đến mạch nước ngầm bổ trợ cho Hồ Gươm.

"Nó có thể làm nghẽn mạch, hoặc làm phân tán mạch nước ngầm, khiến Hồ Gươm không nhận đủ nước, mực nước trong hồ bị hạ xuống", ông Hưng nhận định và cho biết thêm, các mạch nước ngầm quanh Hồ Gươm rất phức tạp và đang ổn định, không nên phá vỡ sự ổn định ấy.

"Các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành địa chất, thủy văn cần vào cuộc, khảo sát xem nước Hồ Gươm được bổ trợ từ mạch nước ngầm như thế nào. Nếu bây giờ làm công trình ngầm bên cạnh thì quá trình xây dựng, vật liệu sẽ làm biến đổi địa chất, mà sự biến đổi ấy tác động đến di tích thì không nên làm. Chưa kể, một khi mạch nước ngầm vào Hồ Gươm bị chặn lại, về mặt phong thủy cũng không có lợi chút nào", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Quang Hưng, Hồ Gươm là một tài sản quý, là hình ảnh biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, không gian quanh hồ rất hạn chế nhưng nhiều năm qua đã bị các kiến trúc hiện đại làm lu mờ dấu ấn di sản.

Phối cảnh cửa số 4 thuộc nhà ga C9. Ảnh: MRB  
Phối cảnh cửa số 4 thuộc nhà ga C9. Ảnh: MRB  
 

"Diện tích Hà Nội cổ không được bao nhiêu, muốn bảo tồn thì cần hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình hiện đại khu vực quanh hồ và vùng phụ cận. Bên cạnh đó, địa chất ở khu phố cổ là đất trũng, rất phức tạp.

Vì vậy, nếu muốn làm các công trình hiện đại thì hãy đưa ra ngoài, xa khỏi trung tâm, trả lại cho khu vực Hồ Gươm vẻ thông thoáng. Nếu cứ chất chồng lên các công trình ở khu vực này, e rằng Hồ Gươm chẳng khác gì cái ao, mà một khi hồ đã bị tác động rồi, khôi phục lại nguyên trạng ban đầu rất khó", nguyên Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức tốt phố đi bộ Hồ Gươm, và về lâu dài cần phát triển không gian phố đi bộ thay vì cố chen vào đó các công trình hiện đại.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, Hồ Gươm chủ yếu được nước mưa đổ vào cùng các loại nước khác. Làm ga ngầm C9 ngay cạnh Hồ Gươm thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm bổ cập vào Hồ Gươm, đặc biệt vào mùa mưa, nếu công trình chặn mất đường tiêu thoát nước thì khu vực xung quanh rất dễ bị ngập.

"Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng hệ thống mạch nước ngầm quanh Hồ Gươm, xem xét, đánh giá tác động về môi trường nếu xây dựng nhà ga ngầm ở cạnh hồ", ông Uyển nói.

Trong những năm qua, Bộ VH-TT-DL đã có nhiều văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ bảo đảm không gây ảnh hưởng bất lợi đối với khu vực bảo vệ các di tích.

Đáng lưu ý, trong văn bản  số 3984/BVHTTDL-DSVH gửi tới Hà Nội ngày 3/10/2019, Bộ VH-TT-DL  nhấn mạnh, với phương án thiết kế thân ga cách Tháp Bút 36 m, đường hầm dưới lòng đất chỉ cách 1 m thì khi thi công sẽ phải đào đất, làm rào chắn, di dời toàn bộ cây xanh khu vực ven hồ. Khi công trình hoàn thành mới trả lại mặt bằng di tích, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường văn hóa và sinh thái khu vực.

Việc thi công nhà ga còn tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu. Đặc biệt, Tháp Bút là biểu tượng đặc sắc riêng có về truyền thống hiếu học và văn hiến của thủ đô Hà Nội, đã đi vào tiềm thức của người dân.

Việc xây ga ngầm cạnh Hồ Gươm còn có nguy cơ tắc nghẽn giao thông ở đây khi tiếp nhận lượng hành khách lớn từ ngoài vào trung tâm.

Vì vậy, Bộ VH-TT-DL tiếp tục đề nghị TP Hà Nội điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga và các công trình phụ trợ để không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích, tuân thủ Luật Di sản Văn hoá.

Vị trí ga ngầm C9 dự kiến đặt trong khuôn viên công viên bờ Hồ Gươm. Thân ga chính bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, kích thước dài 150 m, rộng hơn 21 m, sâu trên 17 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Bộ VH-TT-DL nhiều lần đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng, ra xa Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.

Trong khi đó, TP Hà Nội khẳng định vị trí ga C9 không xâm phạm khu vực bảo vệ lõi và các yếu tố cấu thành lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tháng 9/2019, Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT-DL cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 "đảm bảo đúng quy định pháp luật về di sản văn hoá".

Thành Luân

Theo Đất Việt