Tranh cãi 'nảy lửa' vị trí ga ngầm C9, Dự án ĐSĐT số 2
Ngày 19/11, Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 – ga hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 Hà Nội”. Tại cuộc họp tiếp tục nổ ra nhiều tranh cãi trái chiều về vị trí đặt ga ngầm C9, cạnh Bút Tháp, Hồ Hoàn Kiếm là chưa phù hợp.
Ga C9 tối ưu hoá kết nối các tuyến tàu điện?
Báo cáo dự án, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: “Tuyến đường sắt đô thị số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của thành phố từ Nội Bài – Nam Thăng Long – Thượng Đình. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, đây là dự án trọng điểm Quốc gia của TP. Hà Nội sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản”.
“Theo ông Minh, hiện tại, vị trí đặt nhà ga C9 đã được các chuyên gia nghiên cứu kỹ, nhằm tối ưu hoá kết nối với các tuyến tàu điện đô thị, cùng đó, vị trí này được cho là phù hợp với quy hoạch của TP.Hà Nội và đã được Chính phủ chấp thuận”, ông Minh nói.
Còn theo chuyên gia tư vấn Nhật Bản Noboru NakaGawa, toàn bộ ga C9 sẽ được nằm ngầm bên dưới lòng đất chỉ có một số cửa nhà ga lên xuống được đặt nổi trên mặt đất.
Mặt khác, theo khảo sát, nhà ga C9 hoàn toàn nằm ngoài vùng bảo vệ di sản văn hoá hồ Hoàn Kiếm, khi thi công xong khu vực đó sẽ được trả lại hiện trạng như ban đầu. Các kết cấu nổi được thiết kế phù hợp với cảnh quan xung quanh, cửa số 3 phục vụ cho khách thăm quan khu vực di sản hồ Hoàn Kiếm.
“Tháp Bút và tượng đài Cảm tử nằm cách xa ga ngầm C9. Ga C9 sẽ áp dụng các biện pháp thi công, công nghệ tiên tiến nhất đảm bảo an toàn các di sản văn hoá. Chúng tôi áp dụng biện pháp thi công từ trên xuống bằng hệ thống tường vây bao quanh nhà ga C9 không để nước từ hồ Hoàn Kiếm và nước ngầm ngấm vào nhà ga....”, chuyên gia tư vấn Noboru NakaGawa nhận định.
Đồng tình quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải (GTVT) Phạm Thế Minh cho rằng: Đối với các đô thị lớn, vấn đề giao thông là một bài toán cấp bách, trong đó vấn đề giao thông đi ngầm và đi trên cao hầu như là bắt buộc. Đường sắt đô thị (tàu điện ngầm) với Hà Nội là một nhu cầu không cần bàn cãi.
“Vị trí đặt nhà ga ngầm số C9 có hai vấn đề là ga C9 không thể làm kết nối liên thông với các tuyến khác, nên vị trí chúng ta chọn là hợp lý. Ngoài ra, các nhà ga đã phù hợp với quy hoạch. Cá nhân tôi cho là vị trí đặt ga là hợp lý. Các cửa ga lên xuống được thiết kế không làm mất đi bất kỳ một di sản nào sẵn có”, ông Minh nói.
Lo ngại ảnh hưởng di tích hồ Hoàn Kiếm?
Phản biện các ý kiến trên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, UVBCH hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Vị trí ga C9 hiện chưa phù hợp, trước hết là vì tuyến đường sắt, ga ngầm trùng với tuyến tàu điện cũ của Hà Nội.
Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị số 2 đi qua Hồ Gươm cho thấy sự trùng khớp với tuyến tàu điện chạy từ chợ Bưởi xuống tới chợ Mơ đã xây dựng cách đây hơn 100 năm.
Các nhà ga cũng tương tự, nếu có khác biệt chỉ là xê dịch đôi chút. Ga và đường ngầm qua khu phố cổ Hà Nội sẽ có giá thành xây dựng đắt đỏ, ẩn chứa nhiều rủi ro với mối lo, mô hình giống tàu điện ngày trước có thực sự phát huy thế mạnh của đường ngầm không?
Ngoải ra, tuyến đường sắt, ga ngầm theo đề xuất của JICA từ năm 2006 cũng được cho là quá lạc hậu với Hà Nội mở rộng. Theo đó, sau 12 năm ( 2006-2018), đặc biệt là sau khi Hà Nội mở rộng năm 2008, đã có nhiều thay đổi nhưng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị giữ nguyên vị trí cũ, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như tương lai, bỏ qua cơ hội phát triển đô thị ngoài đê và bên kia sông Hồng. Đó là nơi đang hình thành các dự án có quy mô hàng chục tỷ USD mà vẫn không có tuyến đường sắt đô thị nào hướng tới.
Một phản biện khác cũng lo ngại vị trí tuyến đường, nhà ga C9 là nguy cơ tắc nghẽn, rối loạn giao thông.
Cụ thể, ga C9 sát Hồ Gươm sẽ thu hút lượng hành khách lớn từ bên ngoài vào trung tâm Hà Nội, nơi vốn đã có mật độ giao thông cao. Điều đó tất yếu gia tăng xung đột, gây rối loạn, tắc nghẽn giao thông.
Từ năm 2016, Hà Nội tổ chức phố đi bộ cuối tuần, ưu tiên cho các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn… được đánh giá cao. Đặt ga C9 vào đây, theo đó, sẽ phá vỡ hoạt động này.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng: “Nếu chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài thì giá thành sẽ được đẩy lên bao nhiêu cũng được. Hà Nội cần phải lưu ý, vấn đề đầu tư khi làm ga ngầm như trên chắc chắn chi phí giá vé sẽ không đủ bù cho chi phí vận hành... Tại sao chúng ta không quy hoạch các tuyến đường sắt ra khu vực khác để phát triển đô thị ngày một mạnh mẽ hơn đẹp hơn, hiện đại hơn”.
Còn theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Nhà ga C9 đang để lại nhiều băn khoăn và lo ngại vì nhà ga C9 sát với tháp Bút và ảnh hưởng đến di tích hồ Hoàn Kiếm.
“Hồ Hoàn Kiếm là di sản khác với Văn Miếu vì đây là không gian mở, không gian công cộng với nhiều các hoạt động văn hoá. Tôi ủng hộ đặt ga C9 tại khu vực này nhưng đặt sát tháp Bút là vấn đề cần nghiên cứu, trong khi chúng ta còn có thể đặt ở vị trí khác với tháp Bút. Vì khi tàu chạy sẽ gây rung lắc và tiếng ồn làm ảnh hưởng tới di sản văn hoá”.
“Nếu hướng tuyến đặt nhà ga không ảnh hưởng, có thể đặt ở vườn hoa Lý Công Uẩn, nó không ảnh hưởng nhiều tới di tích và hướng tiếp cận đều ổn từ phố đi bộ, văn hoá, đi lại của người dân đều đáp ứng.
Khi có tàu điện ngầm xuất hiện sẽ tạo ra sức hút để người dân đổ dồn về khu vực này sẽ ảnh hưởng tới giao thông, nên cần phải kiểm tra lại. Còn về công nghệ của Nhật Bản, tôi hoàn toàn ủng hộ”, ông Tùng chia sẻ.
Dự án đường sắt đô thị số 2 có chiều dài: 11,5 km (từ KM0-400 đến Km11+138,770); lộ trình tuyến điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài – Điểm cuối trên đường Phố Huế.
Trong đó, có 7 ga ngầm: Ga C4-ga Bưởi, ga C5-ga Quần Ngựa, ga C6-ga Bách Thảo, ga C7- ga Hồ Tây, ga C8-ga Hàng Đậu, ga C9-ga hồ Hoàn Kiếm, ga C10-ga Trần Hưng Đạo...
Theo Trí Anh/Vietnamfinance