Giá đất nền Đà Nẵng: Cảnh báo đầu cơ, tạo sốt ảo
Theo Sở TN-MT TP Đà Nẵng, có thể có hiện tượng đầu cơ và tạo sốt ảo để trục lợi tập trung ở các khu vực có các dự án lớn chuẩn bị triển khai.
Đà Nẵng khuyến cáo người dân và nhà đầu tư tìm hiểu kỹ thông tin
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng vừa có phản hồi trước thông tin cho rằng "giá đất nền Đà Nẵng đang tăng nhanh", tạo dư luận xã hội và khiến các nhà đầu tư băn khoăn trong những ngày qua.
Sở TN- MT TP Đà Nẵng cho rằng, hiện nay UBND TP đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Theo đó, có 109 tuyến đường là giảm so với thời điểm năm 2020. Đồng thời UBND thành phố cũng ban hành sửa đổi, bổ sung "Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024", cụ thể giá đất thương mại dịch vụ và giá đất sản xuất kinh doanh giảm 10% so với thời điểm năm 2020. Nhìn chung, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất của thành phố là giảm so với năm 2020.
Theo cơ quan này, để chứng minh được giao dịch thành công về chuyển quyền sử dụng đất thì giao dịch đó phải thông qua hợp đồng công chứng chứng thực và phải được đăng ký biến động tại mục thay đổi tên người sử dụng đất mới tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất xác nhận thì mới kết luận được giao dịch đó là thành công.
Ghi nhận tại thời điểm tháng 3/2021, theo số liệu báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai quận Liên Chiểu, bình quân đăng ký chuyển quyền sử dụng đất quý 1 năm 2021 là 15 hồ sơ/ngày. Trong tháng 3/2021 là khoảng 20 hồ sơ/1 ngày. Như vậy không có dấu hiệu tăng đột biến.
Đối với các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận huyện khác, bình quân đăng ký chuyển quyền sử dụng đất quý 1 năm 2021 là 12 hồ sơ/1 ngày.
Về thị trường giao dịch, Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát trước và sau lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng vào ngày 29/3/2021, song song với việc Thủ tướng có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu; khởi công Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân cho thấy: Tại các công ty môi giới bất động sản như Đất Xanh Miền Trung, Trung Nam Land thì giá đất tăng khoảng 5 - 10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
"Nhìn chung thị trường bất động sản có tăng nhẹ, chủ yếu tại khu vực Golden Hills, FPT và xung quanh Dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Đối những khu vực khác không ghi nhận biến động gì lớn.
Sở TN&MT TP Đà Nẵng nhận thấy, có thể có hiện tượng "đầu cơ" và tạo "sốt ảo" để trục lợi tập trung ở các khu vực có các dự án lớn chuẩn bị triển khai.
Vì vậy, khuyến cáo người dân và các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan đến khu đất, dự án dự kiến đầu tư, để tránh rơi vào các chiêu trò thổi phồng thị trường, tăng giá đất ảo như đã từng xảy ra trước đây", Sở TN-MT TP Đà Nẵng khuyến cáo.
Giá đất Đông Anh, Hà Nội nhảy múa
Tại Hà Nội, giá đất vùng ven, trong đó có khu vực huyện Đông Anh cũng trở nên sôi sục sau khi Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và thống nhất trình các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.
Khảo sát của Tiền phong cho thấy, chỉ trong đầu tháng 3 trở lại đây giá đất ở Đông Anh tăng chóng mặt, thậm chí tăng từng giờ, từng ngày khi nhiều nơi giá đất tăng từ 15-20%, có những nơi tăng đến 50%.
Các khu vực xã Hải Bối, Tiên Dương, Tàm Xá, Nguyên Khê… ghi nhận sự tăng giá cao từ mức 20-30 triệu đồng/m2 ở thời điểm tháng 1/2021 lên mức 30-50 triệu đồng/m2. Thậm chí nhiều lô đất mặt đường đẹp có giá 60-80 triệu đồng/m2.
Hay tại xã Xuân Canh, giá lô đất trong ngõ hẻm nửa tháng trước chỉ giao động 17-18 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên 30 triệu đồng/m2.
Không chỉ giá đất thổ cư mà giá đất tại các dự án nhà ở, các khu đấu giá đất cũng liên tục "nhảy múa".
Về tình trạng này, trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, việc giá đất tăng một phần là do việc điều chỉnh khung giá đất tăng. Đồng thời, do sự nhìn nhận của người dân và các nhà đầu tư về sự phát triển của Đông Anh- khu vực đang có giá trị phát triển đô thị cao đối với TP Hà Nội.
“Do đó, chúng tôi khuyến nghị, khuyến cáo đến các nhà đầu tư khi quan tâm thị trường bất động sản Đông Anh nên tìm hiểu kỹ các thông tin về quy hoạch, pháp lý… Chúng tôi có rất nhiều kênh để các nhà đầu tư lớn cũng như nhà đầu tư nhỏ, các cá nhân, gia đình tìm đến các thông tin chính thống của huyện”, vị này khuyến cáo.
Trước lo ngại khi Đông Anh đang là một trong những điểm nóng về thị trường bất động sản, nhiều đối tượng “cò” đất lợi dụng thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng như quy hoạch dự án, hạ tầng... để “thổi giá” tạo sốt đất ảo sẽ để lại nhiều hệ lụy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, tất cả các phát triển nóng dù lĩnh vực nào không chỉ riêng bất động sản đều có mặt tồn tại và mặt trái.
“Chúng tôi thấy rằng, sự quản lý trên cơ sở thông tin cho người dân đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch và những dự án lớn để người dân nắm bắt được. Thấy đấy là sự phát triển, thông tin rộng rãi cho cộng đồng dân cư biết để thấy được kế hoạch lớn của Đông Anh trong 5 năm tới và sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, TP đối với sự phát triển chung của Thủ Đô và Đông Anh nói riêng. Để mọi người thấy được tất cả nhiệm vụ lớn đó cũng cho mình một cái nhìn nhận, đánh giá, có sự quan tâm đến sự phát triển của Đông Anh cũng như vấn đề bất động sản của Đông Anh”, ông Linh nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, huyện yêu cầu các cá nhân, tổ chức có nội dung kinh doanh, buôn bán hoặc cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bất động sản phải đúng quy định của pháp luật.
“Cái nào chưa đảm bảo về mặt pháp lý chúng tôi cũng không thể chấp thuận, hoặc sẽ hướng dẫn cho người dân biết. Bởi khi quan tâm phải biết đầy đủ thông tin, thực hiện các giao dịch phải đầy đủ giấy tờ, thủ tục. Không riêng chính quyền huyện mà các đơn vị văn phòng đăng ký đất đai, các xã, thị trấn luôn sẵn sàng phục vụ người dân. Chúng tôi mong muốn người dân sâu sát và đặc biệt có đủ thông tin khi quan tâm đến thị trường bất động sản Đông Anh”, lãnh đạo huyện Đông Anh nói.