Giá đất tại Đông Anh lại “nóng” trước thông tin lên quận
Thực tế, thông tin Đông Anh lên quận đã có từ cách đây một vài năm. Ngay sau thông tin đó, giá đất tại đây đã liên tục trải qua những đợt biến động, sốt nóng cũng có mà rơi vào “đóng băng” cũng có. Thời gian gần đây, giá đất khu vực này lại tiếp tục “nhảy múa” khi thị trường bất động sản đang dần có dấu hiệu tích cực.
Loạt dự án hạ tầng bổ trợ cho tiến trình lên quận
Mới đây, tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, theo đề án chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP Hà Nội, số đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội sẽ là 518 đơn vị, giảm 61 đơn vị so với trước khi sắp xếp.
Trong đó, TP Hà Nội hiện đang thực hiện nhiệm vụ "Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận", xây dựng đồng thời các đề án. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận. Còn với các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, hiện thành phố đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Được biết, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang phối hợp với hai huyện để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.
Tại Đông Anh, hàng loạt các dự án đang bổ trợ cho tiến trình lên quận.
Đơn cử như dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên cũng vừa được lập báo cáo.
Tuyến đường có tổng chiều dài 2,2 km, nằm trên địa bàn xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2022. Điểm đầu tuyến giao với đường quy hoạch tại phía bắc thôn Cán Khê; điểm cuối giao với đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án là 245 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2025 đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (3,7 km; 1.239 tỷ đồng); Tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm dài 5,9 km; quy mô 1.303 tỷ đồng; Tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 dài 3,8 km; tổng 1.204 tỷ đồng; Đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ dài 5,7 km; 1.168 tỷ đồng).
Đáng chú ý, giai đoạn 2023 - 2028, Đông Anh sẽ thực hiện xây dựng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn huyện dài 14,9 km, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Điểm đầu nằm tại nút giao cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt. Tuyến đường đi qua địa bàn 9 xã thuộc Đông Anh, bao gồm: Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê, Bắc Hồng và Nam Hồng.
Giá đất liên tục “nhảy múa”
Thực tế, câu chuyện giá đất tại Đông Anh nhảy múa trước thông tin lên quận đã có từ nhiều năm trước. Quay trở lại với thời điểm giữa năm 2023, tại kỳ họp thứ 12, với 88 đại biểu tán thành (93,62% tổng số đại biểu), Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận này.
Ngay sau thông tin này, các phiên đấu giá đất tại đây đã diễn ra vô cùng sôi động. Cụ thể, phiên đấu giá do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh phối hợp với Công ty đấu giá Hợp Danh đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất phía Tây Bắc, thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (đợt 1) vào ngày 30/9/2023.
Phiên đấu giá thu hút gần 170 khách hàng, với hơn 300 hồ sơ tham gia đấu giá 33 thửa đất. Các lô đất đấu giá có giá khởi điểm từ 45,5 triệu đồng/m2 đến 56,5 triệu đồng/m2.
Kết quả đấu giá, thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 100 triệu đồng/m2. Thửa đất có giá trúng thấp nhất là 52,5 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá trên 256,6 tỷ đồng, tăng hơn 67,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Báo cáo giá đất nền quý 3/2023 của Bộ Xây dựng thời điểm đó cũng chỉ ra, tại khu vực Hà Nội, các khu vực Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức, đất nền ghi nhận mức giá gần 100 triệu/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park khoảng 140 triệu đồng/m2; khu vực đầu cầu Nhật Tân (phía Đông Anh) có giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 đối với những lô đẹp mặt đường lớn.
Tuy nhiên ngay sau đó, giá đất tại khu vực này bất ngờ rơi vào “đóng băng”. Cho đến những tháng đầu năm 2024, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực trở lại, giá đất Đông Anh đã tăng trở lại.
Theo khảo sát, hiện nay, giá đất Đông Anh năm 2024 tại một số xã đã tăng mạnh so với năm 2023. Cụ thể, tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), những nơi có vị trí ngõ rộng, mức giá rao bán đang từ 60 - 85 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với mức giá tại thời điểm tháng 12/2023 (50 - 70 triệu đồng/m2).
Còn tại xã Xuân Canh, Đông Hội (huyện Đông Anh), giá đất cũng đang ở mức cao sau đợt tăng "nóng" từ cuối năm 2023, thời điểm huyện Đông Anh có thông tin chính thức lên quận. Cụ thể, giá đất nền tại xã Xuân Canh được rao bán ở mức 55 - 70 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm 2023. Đây cũng là khu vực được thành phố Hà Nội xác định xây cầu Tứ Liên, nối với quận Tây Hồ.
Một môi giới đất nền tại Hà Nội cho biết giá đất ở Đông Anh năm 2024 tại một số khu vực đã tăng từ 20 - 25% so với thời điểm cuối năm 2023. Đáng chú ý, lượng quan tâm đến đất nền cũng cao hơn và giao dịch đã bắt đầu "hồi phục" trở lại.
"Giá đất Đông Anh năm 2024 đã tăng đáng kể so với năm 2023 nhưng vẫn chưa cao bằng thời điểm sốt đất giai đoạn 2020 - 2021 trước đó. Điều này cho thấy, giá đất nền tại Đông Anh từ nay đến khi chính thức lên quận hứa hẹn còn nhiều tiềm năng để tăng. Khu vực Đông Anh còn có lợi thế từ các thông tin quy hoạch, giao thông tốt cùng với sự đổ bộ của nhiều dự án bất động sản lớn sẽ khiến giá đất Đông Anh còn tăng mạnh", môi giới này nhận định.