Giải pháp nào ngăn chặn việc bỏ cọc trong đấu giá đất?
Thời gian qua, công tác đấu giá đất đã xuất hiện những bất cập, nhất là vụ việc bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đã gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản và xã hội.
Trước thực trạng đó, Bộ tài Nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến hoạt động đấu giá đất.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hoạt động đấu giá đất đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số tồn tại, bất cập đã làm hạn chế hiệu quả của chính sách này. Có thể kể đến việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại một số nơi còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất ở. Có trường hợp chậm, thậm chí không đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý triệt để; quá tải trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai tại một số địa phương.
Tại công văn, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương chấn chỉnh tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất “vàng”. Sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Chỉ đạo tổ chức lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất chi tiết, để tổ chức theo dõi, kiểm tra.
Cùng với đó, Bộ TN&MT đề nghị, trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá (năng lực về tài chính, kỹ thuật, ký quỹ, nguồn vốn của chủ đầu tư, thời gian đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nếu trúng đấu giá…); làm tốt công tác xác định giá khởi điểm bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc trong các cuộc đấu giá.
Các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để thu nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất để tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo quy định.
Giải pháp nào ngăn chặn việc bỏ cọc khi đấu giá đất?
Sự việc bỏ cọc đấu giá khu đất vàng tại Thủ Thiêm đã gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản và xã hội. Bên cạnh việc gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ TN&MT cũng đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về đề xuất bổ sung quy định về xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá.
Trong đó, quy định rõ việc xử phạt đối với trường hợp tự hủy kết quả trúng đấu giá đất để ngăn chặn các tiêu cực.
Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; khẩn trương triển khai, hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Về khoản tiền đặt trước, dự thảo đề xuất do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.
Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không nộp đủ tiền hoặc không nộp tiền theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì người trúng đấu giá quyền sử dụng đất sẽ nhận lại giá trị của tài sản bảo đảm sau khi đã trừ đi các chi phí nộp phạt theo quy định.
Ngoài ra, Bộ TN&MT đề xuất trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.