Giới chủ trung tâm thương mại đang đổ về vùng ven mở rộng thị phần.

Trong bối cảnh thị phần trung tâm đang dần co hẹp, các giới đầu tư trung tâm thương mại tìm hướng phát triển dạt về vùng ven.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Bà Trang Đỗ, chuyên gia cao cấp của Colliers (Việt Nam), nhận định “miếng bánh” thị phần mặt bằng bán lẻ vô cùng hấp dẫn nhưng cũng ngày càng khốc liệt hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu cũng nôn nóng có mặt trên thị trường bán lẻ Việt Nam, với tiềm lực tài chính không kém cạnh gì các "tay chơi" đang hiện diện.

Chính sự cạnh tranh khốc liệt khiến giới chủ trung tâm thương mại ngày càng chuộng xu hướng mở rộng ra khu vực vùng ven thay vì cố gắng “đốt tiền” để tranh giành thị phần tại khu vực trung tâm. Ngay cả các ông lớn hàng đầu như Central Group và Aeon Mall đang mở rộng mô hình mới tại các tỉnh thành ngoài TP.HCM và Hà Nội.

Ở Hà Nội, công ty con của Thaco là Đại Quang Minh - phụ trách mảng bất động sản của tập đoàn, vừa được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm thương mại trong Khu đô thị Tây Hồ Tây. Đây sẽ là đại siêu thị thứ 4 trong mục tiêu mở 10 đại siêu thị trên toàn quốc vào năm 2025.

Đáng chú ý, trong cùng khu vực Thaco dự kiến phát triển đại siêu thị tiếp theo, cũng đang có sự hiện diện của hàng loạt thế lực cạnh tranh như Takashimaya, Lotte...

Ở TP.HCM, dự án Hùng Vương Plaza (quận 10) chào đón nhà hàng mới của Manwah, còn Aeon Mall Tân Phú Celadon (quận Tân Phú) có thêm tổ hợp thể thao giải trí mới của thương hiệu Aim Box.

Đặc biệt, dự án Vincom Mega Mall Grand Park (TP.Thủ Đức) với quy mô hơn 48.000 m2 sàn bán lẻ cho thuê, dự kiến đi vào hoạt động từ đầu quý II/2024, hiện đã ghi nhận đặt chỗ chính thức từ hơn 200 thương hiệu lớn, điển hình như Uniqlo, Bath and Body Works…., theo Avison Young.

Những diễn biến từ thực tế cho thấy các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đang tạo sức hút lớn hơn so với khu vực trung tâm, như quận 1, đang ngày càng chật chội.

Nôn nóng chiếm lĩnh thị phần của các “cá mập”, cùng sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu quốc tế mới đang khiến sức cạnh tranh trên thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam ngày càng khốc liệt. Đơn cử, Central Retail (Thái Lan) cho biết sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước.

Tương tự, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo đà phát triển trong tương lai.

Hệ thống FujiMart Việt Nam – Chuỗi siêu thị liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) cũng đặt mục tiêu phấn đấu sẽ đạt tổng cộng 50 siêu thị vào năm 2028. Cuộc đổ bộ của các thương hiệu thời trang từ phân khúc cao cấp đến phân khúc bình dân như Uniqlo, Muji, Dior, Cartier trong những năm trở lại đây cũng rầm rộ hơn bao giờ hết.

'Đường đua' của những ông lớn với diện mạo mới

Trước sức nóng của thị trường, các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đang áp dụng các chiến lược khác nhau để tăng trưởng bằng cách tìm hiểu về mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam. 

“Khẩu vị" gần đây của các đại gia bán lẻ là đi săn quỹ đất ở khu vực đô thị mở rộng và các thành phố hạng 2, hạng 3. Các vị trí này được nhắm đến như Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Các đô thị được xem là động lực tăng trưởng của Việt Nam khi đóng góp 90% tổng mức tăng trưởng tiêu dùng trong 10 năm tới", bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ Colliers (Việt Nam), cho hay.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp Cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho rằng xu hướng thị trường bán lẻ trong thời gian sắp tới sẽ được định hình bởi các yếu tố như tăng chi tiêu cho dịch vụ, hướng tới các cửa hàng có tính bền vững và thân thiện với môi trường, cùng với việc tập trung cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

Theo bà Minh phân tích, dù là "tên tuổi" mới hay đã quen mặt, các doanh nghiệp kinh doanh mặt bằng bán lẻ cần nắm bắt và đón đầu các nhu cầu mới của khách thuê, từ đó trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn. Chẳng hạn như với chiến lược bán hàng chéo (cross-shopping), hay mô hình bán mang đi (takeaway) và giao hàng (delivery), layout và thiết kế mặt bằng cần được điều chỉnh thích hợp và thuận tiện để tối ưu trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Đồng thời nhấn mạnh, triển vọng thị trường bất động sản cho thuê bán lẻ Việt Nam trong năm 2024 sẽ đối mặt với thách thức nguồn cung hạn chế, với chỉ 0,4% nguồn cung tương lai nằm ở khu vực trung tâm, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải tiếp tục tìm kiếm giải pháp và linh hoạt trong việc lựa chọn vị trí và mô hình kinh doanh.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống