Giống như Thủ Đức, giá nhà đất tại Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ tăng ‘đột biến’ với định hướng lên thành phố?
Theo tờ trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của UBND TP Hà Nội vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp cuối tháng 9, một trong những định hướng 5 năm tới của Thủ đô là nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng quy hoạch các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành TP trực thuộc.
Hà Nội định hướng Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên TP trực thuộc Thủ đô
Tại kỳ họp hồi tháng 9, Hà Nội cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng quy hoạch các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc trong thời kỳ 2021-2030.
Ngoài ra, giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội cũng lên kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực dự kiến trở thành quận như Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín.
Ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có Thủ Đức là đơn vị hành chính duy nhất trực thuộc Thành phố. Với Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, nếu định hướng trên được thực hiện thì đây sẽ là những huyện đầu tiên của thủ đô trở thành thành phố. Trước đó (năm 2008) khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Hà Tây (cũ) có hai thành phố trực thuộc là TP Hà Đông và Sơn Tây, tuy nhiên sau đó hai thành phố này đã chuyển xuống thành thị xã. Hiện Hà Đông lên quận, Sơn Tây vẫn là thị xã.
Được biết Các huyện được đề xuất lên thành phố ở Hà Nội hiện cơ bản đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc. Trong đó, Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, 23 xã, một thị trấn trực thuộc; Sóc Sơn có diện tích hơn 300 km2, dân số khoảng 350.000 người, có một thị trấn và 25 xã; Mê Linh diện tích hơn 140 km, dân số khoảng 230.000 người, 2 thị trấn và 16 xã.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông.
Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Hà Nội sẽ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm (trục tây Thăng Long, các tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, vành đai 2 đoạn Mai Động – Ngã Tư Vọng, vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Giải Phóng, vành đai 4…).
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Khởi công 1 tuyến, đưa vào vận hành 2 – 3 tuyến đường sắt đô thị.
Hà Nội hiện có 12 quận, một thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Giá đất tại Thủ Đức cũng tăng mạnh kể từ khi lên Thành phố
Ngày 31/12/2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.
Giá nhà đất ở Thủ Đức vốn đã cao nay lại càng cao hơn kể từ khi khu vực này được nâng cấp lên thành phố.
Lấy đơn cử như những lô đất mặt tiền đường Tam Đa (Quận 9, TP Thủ Đức) hiện đang được rao bán với giá lên đến gần 100 triệu đồng/m2. Với những dự án đất nền nằm gần kề, kết nối với tuyến đường này cũng đang có giá trên dưới 50 triệu đồng/m2. Mức giá này đã gấp gần chục lần so với thời điểm cách đây 10 năm.
Hay giá bán căn hộ trong một dự án đô thị lớn quanh tuyến đường Nguyễn Xiển đã chạm ngưỡng 60 – 70 triệu đồng/m2. Trước đó vào thời điểm năm 2015, khu vực này được ví như vùng sâu vùng xa của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này trở thành tâm điểm của cả Thành phố Thủ Đức. Sự xuất hiện của loạt dự án đô thị quy mô lớn đang làm thay đổi diện mạo của khu vực và kéo giá nhà đất tăng gấp nhiều lần.
Trong báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, Thành phố Thủ Đức là một trong những khu vực có mức độ tăng giá bất động sản mạnh nhất. Thành phố này hiện cũng đang vắng bóng các dự án thuộc phân khúc bình dân, ngược lại phân khúc cao cấp dần chiếm sóng.
Nếu so với 2019, giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc Thành phố Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng 2 lần. Cách đây 3 năm, giá căn hộ tại các quận 2, 9, Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức) cao nhất khoảng 35 triệu đồng một m2 thì nay giá căn hộ tại đây ghi nhận mức thấp nhất 40 triệu đồng/m2 và giá nhà chung cư trung bình đã vọt lên 60 triệu đồng/m2.
Thậm chí, cùng với các dự án ở đô thị Thủ Thiêm, một số dự án căn hộ ra mắt trong thời gian gần đây đã cán mốc 100 – 160 triệu đồng/m2. Mức giá chưa bao giờ có đối với những sản phẩm căn hộ chung cư ở đây.
Ở phân khúc nhà liền thổ, shophouse từ mức giá dưới 100 triệu đồng một m2 năm 2019, đến nay shophouse tại Thành phố Thủ Đức đã có giá trên dưới 200 triệu đồng/m2. Các sản phẩm nhà liền kề cũng có giá cán mốc 100 triệu đồng/m2.
Giống như Thủ Đức, giá đất tại Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn cũng sẽ ‘lên hương’ nếu lên Thành phố?
Kể từ thời điểm có thông tin huyện Đông Anh sẽ lên quận giai đoạn 2021 – 2025, giá nhà đất quanh khu vực này liên tục chứng kiến những đợt “sốt”. Đông Anh vẫn luôn được biết đến là một trong những huyện ngoại thành Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng với nhiều công trình giao thông lớn.
Ngoài các cây cầu hiện hữu như Đông Trù, Nhật Tân, Thăng Long, sẽ có thêm 4 cây cầu nối từ nội thành ra khu vực Đông Bắc, bao gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu Giang Biên,… Khi các dự án này hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển vào khu vực trung tâm Hà Nội.
Đáng chú ý, Đông Anh cũng sẽ được ‘hưởng lợi’ với Đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng. Thời điểm mới manh nha có đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng giá đất tại Đông Anh đã bị “thổi” tăng giá từ 15 – 20%. Thậm chí một số khu vực còn bị đẩy giá tăng 50%.
Cụ thể, giá đất các dự án tại huyện Đông Anh chưa tăng nhiều, nhưng đất thổ cư trong dân lại đang bị “thổi” giá tăng mạnh, có nơi còn lên gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng. Theo đó đất Đông Anh được giao dịch xung quanh mức giá 30-33 triệu đồng/m2 đất mặt đường rộng và kéo dài đến trước thời điểm có thông tin quy hoạch đô thị sông Hồng. Ngay sau đó cò đất đã thổi giá tăng gấp đôi, lên đến 50-60 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng một tuần.
Theo thông tin lên quận, giá đất Đông Anh đã tăng đáng kể, vậy trước định hướng sẽ lên Thành phố, giá bất động sản khu vực này sẽ còn biến động ra sao?
Không phải thời điểm này giá đất khu vực Đông Anh mới ‘nóng’. Kể từ năm 2010, giá đất Đông Anh đã trải qua nhiều cơn sốt nóng. Giai đoạn 2010 – 2011 là thời kỳ lên ngôi của đất nền Đông Anh khi giới đầu cơ “đi tắt đón đầu” dự án cầu Nhật Tân, Đông Trù. Thời điểm đó, người người, nhà nhà đua nhau gom hàng tỷ đồng “ôm” đất để chờ ngày giá lên.
Đối với Mê Linh, trong vài tháng qua thông tin ‘sốt đất’ tại một số khu vực ở Mê Linh cũng đã xuất hiện với những tin đồn thị trường chuẩn bị đón nhiều “ông lớn” bất động sản vào đầu tư sau quá trình mua bán chuyển nhượng.
Đơn cử như như tại xã Tiền Phong, khu đô thị Cienco 5 giá các lô đất nằm ở tuyến đường trục chính, đường lớn được rao bán dao động 40-45 triệu đồng/m2. Các lô ở vị trí khác, giá dao động từ 21-40 triệu đồng/m2 tăng 60-80% so với năm trước.
Hay như một dự án khác được giới thiệu sát bên trục đường lớn kéo thẳng vào khu đô thị Vườn hoa Tiên Phong của một tập đoàn lớn, shophouse cũng được rao bán lên tới 40 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo đại diện một sàn giao dịch tại xã Tiền Phong khẳng định không có hiện tượng sốt đất như đồn thổi. Vị này cho hay, giá có biến động thì chỉ nằm ở những khu vực giáp các khu công nghiệp như ở Khu công nghiệp Quang Minh nhưng cũng không tăng nóng hay đến mức “bỏng tay”. Liệu rằng với thông tin định hướng lên Thành phố trực thuộc có tạo một cú hích đẩy giá thị trường bất động sản Mê Linh lên một tầm cao mới?
So với Đông Anh hay Mê Linh, thị trường bất động sản tại Sóc Sơn lại có sự ‘yên bình’ hơn cả. Về hạ tầng giao thông, Sóc Sơn cũng có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 18, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Bắc Thăng Long Nội Bài,… Và không thể không nhắc tới Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, các khu công nghiệp. Đây đều là những điều kiện tuyệt vời cho phát triển kinh tế của Sóc Sơn.
So với năm 2020, giá đất Sóc Sơn có tăng nhưng vẫn còn chấp nhận được qua khảo sát thực tế. Có những nơi chỉ có 450 triệu/1 thửa, ngay cả những nhà đầu tư có tài chính thấp cũng tiếp cận được.
Tuy vậy cũng giống như Đông Anh và Mê Linh, với thông tin định hướng lên Thành phố trực thuộc, hứa hẹn sẽ tạo ra cú hích cực lớn giúp thị trường nhà đất Sóc Sơn ‘thay da đổi thịt’.