Hà Nội ách tắc đầu tư công: 3/4 số dự án vướng giải phóng mặt bằng
Ngày 26/11, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 3929/UBND-KTTH, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Theo báo cáo, trong số 101 dự án cấp thành phố, có 77 dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, dự kiến 42 dự án trong số này sẽ không giải ngân hết tổng vốn 2.840 tỷ đồng. Đối với các dự án sử dụng ngân sách TP. Hà Nội hỗ trợ, cả 73 dự án đều báo cáo khó khăn, trong đó 17 dự án dự kiến không thể giải ngân hết số vốn 173 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị đã đạt kết quả giải ngân tốt tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân chậm phải rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thành phố chỉ đạo từng chủ đầu tư nỗ lực hoàn thành kế hoạch vốn cuối năm, tập trung khắc phục khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời ưu tiên các dự án lớn, sử dụng vốn ngân sách trung ương và các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Các giải pháp cụ thể như đẩy nhanh thủ tục đầu tư. Chủ đầu tư cần nhanh chóng phê duyệt thiết kế thi công, dự toán, tổ chức đấu thầu và khởi công để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đã giao.
Xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, tổng hợp và tham mưu UBND thành phố giải quyết các khó khăn liên quan, bao gồm đánh giá tác động môi trường, xác định giá đất tái định cư và phương án tái định cư.
Bên cạnh đó là giải pháp tháo gỡ khó khăn về quỹ nhà tái định cư. Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ kịp thời cập nhật, điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với thị trường.
Các quận, huyện, thị xã cần tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, đặc biệt đối với các dự án cấp thành phố mà địa phương làm chủ đầu tư. Thành phố nhấn mạnh việc tập trung nguồn thu từ tiền sử dụng đất để tạo nguồn lực cho đầu tư công. Một số địa bàn có nguy cơ hụt thu như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây được yêu cầu tăng cường biện pháp huy động nguồn thu.
Ngược lại, các địa phương có nguồn thu tốt cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.