Hà Nội: Hơn 15.000 hộ vẫn chưa được giao đất dịch vụ
Dù đặt mục tiêu cơ bản là hoàn thành việc giao đất dịch vụ trong tháng 6/2019 song đến hết tháng 8, tỷ lệ giao đất dịch vụ tại TP. Hà Nội mới chỉ đạt 73,41%.
Đất dịch vụ là gì?
Đất dịch vụ, như tên gọi, là những lô đất nằm ở những vị trí vô cùng thuận lợi để kinh doanh buôn bán như ở các chợ, bến xe hoặc những khu vực ở gần, trong khu đô thị.
Có 2 loại đất dịch vụ gồm: Đất được đấu thầu tại các khu vực công cộng như chợ, bến xe,… và đất được cấp từ việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án quy hoạch đô thị.
Cụ thể hơn về loại đất thứ 2, trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho các dự án, nhà nước đã có những chính sách phân đất dịch vụ với diện tích bằng 10% diện tích đất bị thu hồi.
Nhờ chính sách này mà những thiệt hại mất đất canh tác hay những ảnh hưởng về nghề nghiệp truyền thống đã được bù đắp đáng kể.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng nhu cầu đất dịch vụ của thành phố là 725,87 ha, giao cho 64.068 hộ gia đình.
Tính đến ngày 31/8/2019, thành phố đã giao đất dịch vụ đến 46.890 hộ, đạt 73,41%.
Các quận, huyện, thị xã đạt kết quả từ 80% trở lên là: Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thường Tín, Sơn Tây, Thanh Trì, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm (đã hoàn thành việc bốc thăm, dự kiến bàn giao đất dịch vụ xong trước ngày 31/12/2019).
Tuy nhiên, có một số địa phương chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn tại nên tiến độ giao đất còn chậm. Đơn cử như quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, Mê Linh còn 12.972 hộ chưa được giao đất, chiếm 20,3% tổng số hộ được hưởng đất dịch vụ của thành phố.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách cho diện đặc thù, trong đó có việc xử lý những trường hợp thu hồi diện tích đất lớn, vượt hạn mức được giao đất dịch vụ.
Ngoài ra là các lý do liên quan đến chính sách giao đất trải qua nhiều giai đoạn khác nhau; thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng dự án đất dịch vụ…
Ví dụ tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), toàn huyện có 1.308 hộ gia đình bị thu hồi đất vượt 1.500 m2, với tổng diện tích vượt hạn mức là 654.084 m2, nhưng chỉ được giao đất dịch vụ tối đa theo hạn mức 150m2/hộ.
Bởi theo quy định, hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi được hưởng chính sách giao đất dịch vụ bằng 10%, nhưng tối đa không quá 150m2/hộ.
Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương giao ngay đất dịch vụ cho các hộ đủ điều kiện, đối với toàn bộ diện tích đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (hơn 110 ha).
Đồng thời tập trung tổng hợp, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giới thiệu địa điểm, lập quy hoạch chi tiết đối với diện tích đất còn lại... UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về kết quả, tiến độ trước Thành ủy, UBND thành phố đối với việc không hoàn thành công tác giao đất dịch vụ theo kế hoạch.
Chú ý những rủi ro khôn lường khi mua bán đất dịch vụ
Đối với nhiều người chưa biết rõ đất dịch vụ là gì, việc xem xét kỹ lưỡng những rủi ro có thể xảy đến khi chọn đầu tư vào loại đất này là vô cùng quan trọng.
Song song với những lợi ích kể trên, mua bán đất dịch vụ cũng ẩn chứa nhiều rủi ro mà các “cò đất” chưa đề cập đến khi bán.
Tuy sổ đỏ sẽ được cấp cho người sở hữu sau khi bốc thăm chọn đất nhưng rất nhiều trường hợp người bán vẫn chưa có sổ đỏ trong tay cũng như các giấy tờ chính thức khác trước khi bán đất.
Vì thế nên đa phần các giao dịch mua bán hoàn toàn không dựa trên hợp đồng mà chỉ dựa vào giấy viết tay
Hiện nay Nhà nước vẫn chưa có một khung pháp lí nào quy định việc buôn bán đất dịch vụ nên sẽ rất khó giải quyết nếu xảy ra tranh chấp. Nhu cầu sở hữu đất dịch vụ tăng cao đã đẩy giá thành của loại đất này lên rất cao so với thực tế.
Theo Yến Thanh/ Thời Báo Chứng Khoán