Hà Nội nghiên cứu phát triển mô hình "thành phố trong thành phố"
Cùng với các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, khu đô thị Hòa Lạc cũng được TP Hà Nội đề xuất quy hoạch lên thành phố.
Ngày 11/10, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì hội thảo khoa học về định hướng quy hoạch xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tại đây, nhiều cơ quan của Trung ương, TP và các chuyên gia đã tham gia ý kiến về một số vấn đề nóng như kế hoạch xây sân bay thứ 2 Vùng thủ đô, cũng như chiến lược đưa một số huyện lên quận và TP.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHC 1259), đến nay đã thực hiện được gần 10 năm.
Quá trình triển khai cụ thể hoá QHC 1259 được duyệt đã đạt kết quả nhất định, tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc. Trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố Hà Nội và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ có chấp thuận chủ trương giao nhiệm vụ UBND Thành phố tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với ba nhiệm vụ cơ bản: Rà soát, đánh giá điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/5/2021 về triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học nhằm lấy ý kiến phản biện, góp ý của Bộ ngành, địa phương, các hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học cho các báo cáo này. Qua đó, các đơn vị thực hiện sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện, xây dựng báo cáo rà soát, kiến nghị, đề xuất những định hướng cần quan tâm giải quyết trong quá trình triển khai điều chỉnh tổng thể QHC 1259 trong thời gian sắp tới.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, TP sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía bắc gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía tây Khu đô thị Hòa Lạc.
Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành Đề án xây dựng 5 huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng lên quận, dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60-65%, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung (đến năm 2030 đạt 68%).
Trong việc điều chỉnh quy hoạch giao thông, ông Huy cho biết thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5, với quy mô 1.300 ha.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các thành phố khoảng 10 triệu dân sẽ có 2 đến 3 sân bay. Nếu đến ngoài năm 2030 mới tính đến thì sẽ không có đất làm sân bay. Thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn, cụ thể hơn”, ông Huy nói.
Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đề xuất Hà Nội lựa chọn tư vấn nước ngoài hoặc tổ chức cuộc thi ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô.
Vụ trưởng Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng cho rằng, các báo cáo của thành phố cần được rà soát, làm rõ hơn căn cứ pháp lý và đánh giá thực tiễn triển khai quy hoạch chung trong 10 năm qua, từ đó nhận định nguyên nhân chủ quan, khách quan những việc đã làm được hoặc còn tồn tại, đưa ra định hướng mới.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ tập trung vào định hướng quy hoạch cấp quốc gia và kết nối vùng, hướng tới đẩy mạnh kiểm soát, phân bổ dân số.
Phó Chủ tịch TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp thu, hoàn chỉnh, báo cáo các cấp; lập nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội theo quy định.