Hà Nội: Thị trường văn phòng không giảm giá bất chấp dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp
Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 kéo dài cùng các hoạt động giãn cách xã hội đang được xem là thách thức lớn đối với thị trường cho thuê văn phòng. Thực tế ghi nhận nhiều doanh nghiệp tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê hoặc tạm hoãn kế hoạch chuyển văn phòng do tình hình dịch bệnh. Đáng chú ý, giá thuê văn phòng ở Hà Nội được nhận định đứng vững, diện tích thuê thêm của thị trường sẽ đối mặt với sự sụt giảm lớn trong 6 tháng cuối năm 2021.
Nửa đầu năm 2021 giá thuê văn phòng gộp đạt 21 USD/m2/tháng, ổn định theo quý và tăng 6% theo năm. Giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực như Hoàn Kiếm hay khu vực phía Tây. Mức chênh lệch này thậm chí gần như gấp đôi về giá thuê trên mét vuông.
Do vậy, khi các tòa nhà văn phòng tiêu chuẩn cao được đưa vào thị trường, nguồn cung lớn và giá thuê thấp ở khu vực Phía Tây Hà Nội vẫn đang kéo mức giá thuê trung bình tại Hà Nội ở mức 33USD/m2/tháng. Con số này thấp hơn giá thuê bình quân ở TP Hồ Chí Minh, nơi mà các văn phòng hạng A đa số tập trung ở Quận 1.
Trước áp lực làn sóng Covid-19 lần thứ tư, bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, phản ứng với diễn biến hiện tại của dịch bệnh, các khách thuê cảm thấy khó khăn hơn khi ra quyết định thuê văn phòng tại thời điểm này.
Hoạt động khảo sát mặt bằng và thi công nội thất cũng gặp nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp đều quyết định tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê hoặc tạm hoãn kế hoạch chuyển văn phòng cho đến năm sau khi dịch bệnh được dập tắt. Do vậy, 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm thị trường nhìn thấy sự chậm lại và sụt giảm trong tỷ lệ thuê thêm.
Tuy nhiên, giá thuê văn phòng sẽ không bị tác động sau tình hình dịch. Yêu cầu giảm giá thuê có thể đến từ một số bộ phận khách thuê trong thời gian giãn cách xã hội do lệnh cấm di chuyển, không thể đến văn phòng làm việc. Xét về dài hạn, giá thuê hiện tại ở thị trường Hà Nội đang phản ánh đúng giá trị của thị trường và khả năng chi trả của khách thuê văn phòng. Do vậy, sẽ không có xu hướng giảm giá thuê đồng bộ trên thị trường để giữ chân khách hàng.
Về giải pháp khách thuê lựa chọn sử dụng các dịch vụ văn phòng linh hoạt để có thể thích ứng với thay đổi từ doanh thu, áp lực vốn, kiểm soát chi phí trong mùa dịch, bà Minh cho rằng việc từ bỏ văn phòng truyền thống để chuyển sang mô hình văn phòng linh hoạt không hẳn giúp tối ưu chi phí thuê mặt bằng.
“Trước khi đi đến quyết định chuyển đổi văn phòng, doanh nghiệp cần lưu ý rằng các hợp đồng thuê văn phòng truyền thống hiện nay thường kéo dài từ 3 đến 5 năm, đi kèm với những điều khoản gia hạn trung bình từ 3 đến 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, giá thuê văn phòng dịch vụ thường đắt hơn giá thuê văn phòng truyền thống, việc tiết kiệm chi phí khi sử dụng loại hình văn phòng này là không chắc chắn”, bà Minh giải thích.
Giá thuê sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung của thị trường. Các doanh nghiệp nội địa và quốc tế đang có xu hướng sử dụng không gian văn phòng chất lượng cao với diện tích mặt sàn đáng kể. Với nhiều dự án đang được xây dựng, nguồn cung mới có khả năng khiến lĩnh vực văn phòng trở nên cạnh tranh hơn trong thời gian tới.
Trong điều kiện Covid-19, giá thuê vẫn rất ổn định, thậm chí còn tăng 7% theo năm. Giá thuê của văn phòng hạng A ở trung tâm được giữ vững với mức giá thuê gộp trung bình cao nhất là 38USD/m2/tháng.