Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: Xu hướng phát triển bất động sản tương lai
Bất động sản được dự báo triển vọng tích cực trong 20 năm tới, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Tại Hà Nội và TP. HCM đang có lợi thế từ phát triển kinh tế, hạ tầng, tiềm năng tăng giá cao, kỳ vọng bất động sản vệ tinh gần 2 thành phố lớn này sẽ dẫn dắt thị trường trong những năm tới.
Hiện nay, tốc độ phát triển đô thị hóa ngày càng nhanh, quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp, nhu cầu về không gian sống thay đổi, kèm theo tình trạng quá tải tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, việc phát triển đô thị vệ tinh được chú trọng. Điều này nhằm tái phân bổ lượng dân cư, giảm tải tác động đến cơ sở hạ tầng cũng như môi trường ở khu vực đô thị lõi.
Tại những đầu tàu kinh tế – xã hội như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, đã có những mô hình tiêu biểu cho thấy thành công của các đô thị vệ tinh.
Hệ thống hạ tầng kết nối là động lực lành mạnh thúc đẩy thị trường. Nhiều khu vực được đánh giá có mức độ dao động giá cao ngoài 2 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Bắc Giang…
Tiếp giáp với TP.HCM về phía Nam, Long Hậu – Cần Giuộc hàng loạt dự án hạ tầng kết nối được triển khai rầm rộ.
Sự xuất hiện của TP Thủ Đức đã giúp phát triển về hạ tầng kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển. Xu thế này đóng vai trò không nhỏ giúp giải cứu TP.HCM khỏi áp lực dân số, đồng thời tạo ra các khu đô thị hiện đại mới.
Tại các tỉnh thành như Bình Dương, với lợi thế là tỉnh phát triển công nghiệp, liền kề Thành phố Hồ Chí Minh nên những năm gần đây thị trường bất động sản Bình Dương luôn được sự chú ý của các nhà đầu tư. Các dự án bất động sản tại Bình Dương tập trung vào việc phát triển khu đô thị gắn liền với khu công nghiệp.
Trong khi đó, tại Hà Nội, huyện Hoài Đức, Gia Lâm đang hình thành các khu đô thị vệ tinh. Từ địa phương đa phần là đất nông nghiệp, Gia Lâm nay trở thành huyện có tốc độ phát triển đô thị nhanh và mạnh nhất thủ đô, tạo diện mạo mới cho phía Đông sông Hồng. Huyện cũng nằm trong danh sách các địa phương sẽ lên quận trong năm 2023.
Ở phía Tây Thủ đô, huyện Hoài Đức cũng nổi lên là điểm sáng trong quy hoạch và phát triển đô thị. Điểm chung của các khu đô thị vệ tinh là thúc đẩy giao thương, tạo chỗ ở mới cùng cơ hội việc làm cho số dân tăng trưởng nhanh, đồng thời giúp giãn dân khu trung tâm.
Những khu đô thị này lợi thế là quy hoạch bài bản, tiện ích đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sống của cư dân hiện đại, không gian sống trong lành bởi mật độ dân số thấp. Các dự án bất động sản tại đây bắt nhịp xu hướng toàn cầu, chú trọng đến môi trường sống khi phát triển mật độ cây xanh và tiện ích cao. Giao thông kết nối được tính toán kỹ lưỡng, thuận tiện, thông thoáng đến các đô thị trung tâm.
Hà Nội đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh.
Các chuyên gia nhận định, sự thay đổi trong đầu tư bất động sản tại các khu vệ tinh là tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường, đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, đô thị tại các địa phương đó.
Theo nhìn nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Cùng với sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, Hòa Bình ngày càng chứng tỏ sự hấp dẫn với nhiều dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang là ba tỉnh có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất trong phân khúc bất động sản nhà ở khi nhà đầu tư tìm kiếm nguồn cung thay thế Hà Nội. Đặc biệt, Bắc Giang là tỉnh chứng kiến tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ với sự phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp.
Với việc TP Hà Nội đang đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị thì chắc chắn trong tương lai gần các đô thị vệ tinh được phát triển nhanh chóng và hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải áp lực cho đô thị trung tâm.
Kết quả, đầu năm 2021, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã hoàn thành thẩm định, trình và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thêm 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4. Các đồ án đã được công bố rộng rãi theo quy định. Bên cạnh đó, Sở đang tiếp tục đôn đốc hoàn thiện các đồ án quan trọng là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống.
Đối với quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh (quy hoạch phân khu cấp 2), có tổng cộng 31 đồ án thuộc 5 đô thị vệ tinh đang được nghiên cứu, bao gồm cả các quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây do UBND thành phố mới giao các đơn vị.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã có ý kiến đối với 6 đồ án, gồm 3 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai và 3 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên.
Trong năm 2022, Sở Quy hoạch – Kiến trúc phấn đấu hoàn thành, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung còn lại gồm: Quy hoạch phân khu sông Hồng (R1-5), sông Đuống (R6), Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh…
Đồng thời, hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố; Quy hoạch chi tiết 2 làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng; Quy hoạch chi tiết ga Hà Nội và phụ cận; hoàn thành phê duyệt 3/5 đồ án quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung còn lại; hoàn thành phê duyệt một số đồ án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội…