Hai đô thị đặc biệt của Việt Nam khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội
Trung bình mỗi năm, hai thành phố này thiếu trên 50.000 đơn vị nhà ở.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay tại Thủ đô Hà Nội và TP. HCM vẫn đang ở mức thấp và không đáp ứng được nhu cầu thực tế. VARS chỉ ra rằng số lượng căn hộ nhà ở xã hội đăng ký cho năm 2024 tại hai thành phố này còn rất hạn chế.
Cụ thể, trong Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" diễn ra giữa quý I/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Hà Nội chỉ đăng ký khoảng 1.181 căn, còn đối với TP. HCM là hơn 3.700 căn.
Trong khi đó, mỗi năm Hà Nội và TP.HCM thiếu trên 50.000 đơn vị nhà ở (theo VARS), điều đó có nghĩa ngay cả khi kế hoạch phát triển nói trên được thực hiện đầy đủ, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hai đại đô thị này.
Theo kiến nghị từ các chuyên gia, để thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn, ngoài việc sớm thông qua gói tín dụng 140.000 tỷ đồng với các điều chỉnh ưu đãi hơn, cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện giám sát chặt chẽ và đảm bảo chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thực thi các quy định mới.
Cụ thể hơn ở đây chính là Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 100/2024/N-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Đây hứa hẹn sẽ là hành lang pháp lý đồng bộ, giúp thúc đẩy và hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công tại các thành phố có nhu cầu lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách và tránh lợi dụng, cơ quan quản lý nhà nước cần công khai, minh bạch trong việc mua bán nhà ở xã hội, đồng thời giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng đối tượng mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016 về phân loại đô thị. Theo nghị quyết này, đô thị đặc biệt được xác định là có vai trò và chức năng quan trọng, là thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia và quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế cũng như khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là các trung tâm giao thông và giao lưu quốc gia và quốc tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Dựa trên quy định này, Chính phủ đã xếp Hà Nội và TP. HCM vào nhóm đô thị đặc biệt, trong khi đó, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ được phân loại là đô thị loại I.