Hậu Covid – 19, xu hướng nào sẽ dẫn dắt dòng tiền của các nhà đầu tư bất động sản?
Sau khi dịch Covid – 19 được kiểm soát, thị trường bất động sản Việt Nam đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, dẫn dắt dòng tiền của các nhà đầu tư bất động sản.
Ngày 25/11, tạp chí The Leader đã tổ chức Tọa đàm “Đầu tư bất động sản hậu COVID-19: Dẫn dắt dòng tiền” với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà đầu tư BĐS.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận về xu hướng đầu tư mới trên thị trường bất động sản và hướng đi của dòng tiền vào những xu hướng mới này.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Công ty CP bất động sản BHS cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều người có tiền mà không biết đầu tư vào đâu, cuối cùng lại tìm mua bất động sản, vì vậy thị trường bất động sản xuất hiện nhóm nhà đầu tư F0.
"Và thực tế là, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng", ông Tuyển nói.
Theo ông Tuyển, do nhu cầu lớn, nguồn cung không dồi dào nên giá bất động sản tiếp tục tăng, bất chấp dịch Covid-19 thời gian qua. Nguồn cung bất động sản trên thị trường đang sụt giảm mạnh, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi nguồn cung cho thị trường bất động sản eo hẹp thì nguồn cầu vẫn đa dạng các mục tiêu: mua để ở, mua đầu tư, mua để giữ tiền…
Khi dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế "thấm mệt", nhiều người kinh doanh ở các lĩnh vực khác để bảo toàn vốn đã dồn vốn vào mua đất nền. Việc dịch chuyển dòng tiền này khiến giá đất nền tăng, có thể thấy rõ nhất là giá đất vùng ven các thành phố lớn trong thời gian qua, ông Tuyển nhận định.
Mặt khác, Covid-19 khiến thói quen của người dùng thay đổi, từ đó, các sản phẩm bất động sản cũng buộc phải thay đổi theo, hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Phân tích về hành vi người dùng và sự thay đổi dòng sản phẩm bất động sản, vị chuyên gia nhận định, hiện tại và trong tương lai, nhu cầu của người mua nhà là cần một nơi để sống chứ không chỉ là một nơi để ở. Do đó, các dòng sản phẩm nhà ở phải thay đổi khi người dùng ưu tiên mua những sản phẩm đầy đủ các yếu tố, có quy mô, tiện ích, cảnh quan, an ninh, dịch vụ thông minh.
Đối với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng làm mưa làm gió ở thị trường bất động sản Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Tuyển nhìn nhận, trong quá khứ, các chủ đầu tư tập trung vào nhu cầu phục vụ kỳ nghỉ của khách. Trong khi hành vi này diễn ra với tần suất rất ít trong một năm.
Điều này dẫn tới việc nguồn cung bị dư thừa, tỷ lệ khai thác thấp. Do đó, dòng sản phẩm nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất đáng kể. Sản phẩm cần ở những nơi có cảnh quan, địa hình, thời tiết tốt, văn hóa đặc sắc… và đặc biệt là có thể sở hữu lâu dài và di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô cũng nhận định, Việt Nam đang ở trong thời kỳ bình thường mới, đang trong quá trình bước vào thời kỳ hậu Covid-19. Đây là giai đoạn sẽ đem đến nhiều thay đổi cho thị trường bất động sản. Thói quen người dùng sẽ làm xuất hiện những làn gió mới, tiếp tục thu hút dòng tiền đổ vào bất động sản.
Ông Trung cũng cho rằng, khi có dịch bệnh Covid-19, hành vi đi du lịch của nhiều người cũng thay đổi, thay vì đi chuyến dài ngày, di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa thì chọn đi ngắn ngày, bằng phương tiện cá nhân, địa điểm gần Hà Nội. Với khoảng 8 triệu dân ở Hà Nội thì thị trường du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nghỉ dưỡng ở vùng ven còn nhiều cơ hội thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
Còn theo bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phân phối DTJ thì với xu hướng công nghệ thay đổi, những dự án đẩy mạnh áp dụng công nghệ cũng tạo ra được ưu thế thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Các yếu tố về vị trí, tiện ích, kiến trúc, pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín… rất quan trọng nhưng nếu có thêm công nghệ trong ngôi nhà sẽ thu hút khách hàng tốt hơn.
Về sự hồi phục của thị trường bất động sản sau khi dịch bệnh Covid – 19 được kiểm soát, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, minh chứng rõ ràng nhất khi thị trường phục hồi là tỷ lệ thấp thụ đã được cải thiện qua các quý. Nếu quý 1/2020, khi Covid-19 bất ngờ ập đến cả thị trường đóng băng, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14% thì sang quý 2, tỷ lệ hấp thụ đã đạt 37% và đạt 50% trong quý 3.
Ông Đính thông tin thêm, thời gian qua các dòng sản phẩm trung cấp khoảng 25-35 triệu đồng/m2 có tỷ lệ giao dịch rất tốt. “Ế” nhất vẫn là các căn hộ cao cấp với giá quá cao, trên 50 triệu đồng/m2.
Ông Đính cũng đồng tình với quan điểm các diễn giả tại toạ đàm về việc thiếu hụt nguồn cung bất động sản. Điều này khiến cho các thị trường truyền thống này chậm lại, trong đó ảnh hưởng rõ thấy nhất là ở Hà Nội, TP.HCM.
“Rõ ràng khi thị trường khan nguồn cung trong khi lực cầu vẫn đang mạnh thì nhà đầu tư phải đi tìm các vùng “trũng” ở nơi khác. Nhà đầu tư có tiền thì họ không thể ngồi im được”, ông Đính nói.
Ông Đính cũng cho biết, thị trường bất động sản tại một số khu vực vùng ven Hà Nội xảy ra tình trạng tăng giá "dựng đứng", có những làng, tuần trước vào khảo sát thì thấy tuần sau giá đã tăng dựng ngược lên. Nhiều nơi còn không đầy đủ giấy tờ cũng được rao bán.
Đính cho rằng đây là điều bất bình thường và gây lo ngại, bởi có những chỗ chưa được đầu tư hay đầu tư chưa hoàn chỉnh nhưng giá cứ tăng. Thậm chí nhiều nơi mới chỉ được "kỳ vọng" thôi đã có giá ngang ngửa những vùng đã hoàn chỉnh về hạ tầng.