Hiệu quả tàu Cát Linh-Hà Đông: Cần thời gian đánh giá
Nhiều ý kiến cho rằng, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mới đi vào hoạt động được một vài tuần nên chưa thể đánh giá hiệu quả.
Trao đổi trên báo chí, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, trong 7 ngày đầu tiên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tiến hành thu phí, đã có 1.421 chuyến tàu khai thác an toàn an toàn, mỗi ngày có 203 chuyến tàu phục vụ khách.
"Tổng lượt hành khách vận chuyển trong một tuần đầu thu phí là 113.024 người, đạt bình quân 16.146 hành khách/ngày", báo Dân trí dẫn lời ông Trường nói.
Trong khi đó, theo công suất thiết kế, sức chở tối đa của mỗi đoàn tàu là 960 người; lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.
Nhiều ý kiến cho rằng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới đi vào hoạt động được một vài tuần nên chưa thể đánh giá hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nghiêm Quốc Thắng chia sẻ trên VnExpress: "Đây là loại hình vận tải mua thói quen đi lại của người dân nên cần thời gian. Hà Nội đã phải mất 10 năm để người dân có thói quen đi xe buýt như hiện nay".
Cũng theo ông Thắng, trong 15 ngày đầu miễn phí, lượng khách có thể đông, khi thu phí, số lượng khách sẽ dần dần thực chất hơn. Đường sắt đô thị là loại hình giao thông ưu việt, chắc chắc sẽ được người dân Thủ đô lựa chọn.
Thành phố nên sớm đẩy nhanh và đưa vào vận hành các tuyến đường sắt đô thị khác để tạo sự kết nối, đồng bộ giữa các tuyến như đoạn Nhổn-ga Hà Nội dự kiến vận hành đoạn trên cao cuối năm 2022.
Trao đổi với Đất Việt mới đây, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Trưởng Bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, xét về hiệu quả kinh tế, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông không lỗ, song về hiệu quả tài chính có thể lỗ.
"Hiệu quả kinh tế tính cả thứ thu được và thứ không thu được bằng tiền. Chẳng hạn, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, miễn phí cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo...", ông cho biết.
Cũng bởi hiệu quả tài chính thấp nên theo vị chuyên gia, Nhà nước luôn luôn phải trợ giá. Đối với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, trong những năm đầu vận hành, chưa chắc tiền thu được đã đủ chi phí vận hành, khai thác, chưa nói đến những chi phí khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản, Hà Nội muốn cải thiện được bộ mặt giao thông thì hạ tầng phải đồng bộ. Một tuyến đường sắt đô thị đóng góp không nhiều nhưng bắt buộc phải làm.
"Một, hai tuyến metro đưa vào khai thác không cải thiện được gì, nhưng 7-8 tuyến thì khác. Cùng với đó thì xe buýt cùng các phương tiện công cộng khác cũng phải phát triển với quy mô gấp 4-5 lần hiện nay. Đối với đầu tư giao thông, không thể tính được ngay hiệu quả ban đầu, nhưng quy hoạch là đúng", ông nhấn mạnh.