Tàu Cát Linh-Hà Đông vắng khách: Sự thật là...
Theo ông Thám, khi dịch bệnh bớt căng thẳng, người dân hình thành thói quen đi đường sắt đô thị thì tàu Cát Linh-Hà Đông sẽ đông khách.
Những ngày qua, một số tờ báo phản ánh tàu Cát Linh-Hà Đông vắng khách. Theo đó, trong mười ngày tàu Cát Linh-Hà Đông vận hành chính thức (6-16/10), lượng khách chỉ tập trung đông vào ngày cuối tuần, còn các ngày trong tuần vắng khách, kể cả giờ cao điểm.
Chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ Quản lý và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, thực tế trên là điều bình thường. Ông Thám nhận xét, để tàu Cát Linh-Hà Đông đi vào vận hành, Hội đồng nghiệm thu và các cơ quan liên quan đã làm rất cẩn thận, kỹ càng, dù vẫn có một số người nghi ngờ về độ an toàn của tuyến đường sắt này. Đó là quyền của họ, thậm chí trong đó có những ý kiến không thiện chí.
Về lượng khách đi tàu Cát Linh-Hà Đông, theo ông Thám, phụ thuộc vào nhiều lý do, trong đó ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là lớn nhất. Hiện nay, người dân cũng không mấy mặn mà với các phương tiện công cộng khác.
Bên cạnh đó, người dân Thủ đô vẫn chưa hình thành thói quen đi đường sắt trên cao. Những ngày đầu, lượng khách đi tàu đông chủ yếu là muốn trải nghiệm, tham quan tàu. Thời gian về sau, những người có nhu cầu di chuyển thực sự trên tuyến đường này mới là người quyết định hiệu quả của đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
"Tàu Cát Linh-Hà Đông chạy trên tuyến đường đông đúc, vấn đề là tính kết nối ở hai đầu như thế nào để đảm bảo cho sự thuận tiện cho hành khách. Giả sử thời gian đi tàu mất 20 phút, trong khi thời gian kết nối 2 đầu mất gần 1 tiếng đồng hồ thì không ai muốn đi.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông phải kết nối thuận lợi với các tuyến xe buýt cả về lộ trình và liên thông giá vé, đồng thời phải tổ chức các điểm trông giữ xe cá nhân thuận lợi trong phạm vi cách các nhà ga chừng 500m với giá vé phù hợp để thuận lợi cho khách đi lại hàng ngày, cũng như thu hút khách tham quan, trải nghiệm", PGS.TS Nguyễn Đình Thám chỉ rõ.
Ông cũng chỉ ra thực tế những ngày đầu đường sắt Cát Linh-Hà Đông mới vận hành: tuyến đường sắt này có tất cả 12 nhà ga, dọc tuyến có 2 điểm đầu cuối là ga Cát Linh và ga Yên Nghĩa, người dân có thể tìm được các điểm trông, giữ xe máy gần ga. Còn những nhà ga khác, người dân phải mỏi mắt đi tìm nơi gửi phương tiện.
Kể từ khi tàu bắt đầu đi vào vận hành (6/11), tại ga Cát Linh tổ chức trông giữ xe hai bánh miễn phí cho khách đi tàu, còn từ 15/11 bắt đầu tổ chức trông giữ xe có thu phí. Đối với các ga khác, hiện Sở GTVT Hà Nội và các quận nơi có nhà ga đang phối hợp lập phương án về tổ chức trông giữ xe để báo cáo UBND TP Hà Nội.
"Bây giờ mới lập phương án là quá muộn. Lẽ ra, trong những năm qua, khi chờ đợi đường sắt Cát Linh-Hà Đông hoàn thiện và đưa vào vận hành, Hà Nội phải tính sớm và làm ngay, không chờ "nước đến chân mới nhảy", ông nói và cho rằng, khi các vấn đề trên được giải quyết, người dân sẽ quen dần với đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
"Phát triển đường sắt đô thị là tất yếu. Tại Hà Nội, chúng ta không có nhiều tiền nên phải làm nổi, chấp nhận ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, song nhiều nước cũng phải làm như vậy.
Lợi ích của đường sắt đô thị đã được chứng minh, bây giờ là lúc Hà Nội cần hoàn thiện hệ thống để phát huy được tất cả ưu việt của nó", vị chuyên gia nói và dẫn ví dụ về chuyện bán vé tàu. Theo đó, Hà Nội có thể nghiên cứu bán vé điện tử, hành khách lên xuống chỉ cần quẹt thẻ là xong, vô cùng thuận tiện.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), lượng khách các ngày trong tuần (working day) trung bình khoảng 17.000 - 19.000 người/ngày. Con số này tăng cao hơn vào ngày cuối tuần, đạt xấp xỉ trên 20.000 người/ngày. So với ngày cao điểm nhất (7/11) đạt 54.000 lượt khách, hiện lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tương đối ổn định, song vẫn ở mức khá thấp so với công suất khai thác tối đa.
Chia sẻ trên báo chí, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng là chiến lược bền bỉ, lâu dài, nhằm cung cấp cho hành khách một dịch vụ đi lại ổn định. Do vậy, trong một vài khoảng thời gian trong ngày, trong tuần, thậm chí là trong năm, một loại hình vận tải hành khách công cộng nào đó có thể vắng khách nhưng vẫn phải duy trì chạy bình thường theo biểu đồ. Việc này là nhằm “mua” thói quen đi lại của hành khách.
Với tàu Cát Linh-Hà Đông trong một số thời điểm trong ngày có vắng khách, vì những thời điểm như 5 - 6 giờ sáng và 23 - 24 giờ, lúc này ở các ga rất vắng khách. Nếu ra ga vào các thời điểm này sau đó ghi lại hình ảnh và nói tàu vắng khách là không đầy đủ và thuyết phục.
Sau 15 ngày vận hành miễn phí, từ ngày 21/11, tàu Cát Linh-Hà Đông bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền.
Cùng với việc bán vé, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng thay đổi thời gian chạy tàu so với hiện nay.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu khai thác thương mại, các đoàn tàu chở khách từ 5h - 23h, tần suất 10 phút/chuyến (hiện tại hoạt động 5-22h, 15 phút/chuyến). Thời gian tàu dừng tại ga để khách lên xuống từ 25-50 giây.
Giá vé tàu vé đi một lượt từ 8.000 - 15.000 đồng; vé ngày là 30.000 đồng/ngày, đi lại trong ngày, không giới hạn; vé tháng phổ thông 200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày phát hành vé. Vé tháng mua theo tập thể 140.000 đồng (từ 30 người trở lên).
Vé tháng cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp 100.000 đồng/vé; miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo.