Hình thành “trung tâm mới” khu vực phía Tây Hà Nội
Sau nhiều năm phát triển, cùng với sự hoàn thiện về hạ tầng, khu vực Mỹ Đình đã lột xác thần kỳ mang đến một diện mạo mới, trung tâm mới, hiện đại và năng động.
Sự thay đổi ngoại mục của “trung tâm mới”
Trước đây, khu vực Mỹ Đình vốn được ví von như em gái thôn quê lên thành phố nhưng giờ đây cùng sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, Mỹ Đình đã trở thành một cô gái thành thị sành điệu. Từng là một xã cũ thuộc huyện Từ Liêm, Mỹ Đình đã có sự "lột xác" với một diện mạo mới - trung tâm hành chính, thương mại và giải trí mới tại Hà Nội.
Nổi bật hơn cả là hạ tầng giao thông phát triển đầy đủ và bài bản của khu vực Mỹ Đình. Hệ thống đường xá được đầu tư, mở rộng, nâng cấp với mạng lưới đường được quy hoạch vuông vắn, giúp dễ dàng kết nối với các khu vực trung tâm tại TP. Hà Nội.
Hiện nay, khu vực này sở hữu các tuyến giao thông huyết mạch như: Vành đai 3, Quốc lộ 32, Lê Đức Thọ, Mễ Trì, Trần Hữu Dực, Nguyễn Cơ Thạch… Thêm vào đó là các tuyến xe bus BRT và tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội giúp việc di chuyển tới các khu vực xung quanh trở nên dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay: “Trong những năm qua, các khu đô thị lớn tại Hà Nội phát triển rất mạnh, đặc biệt là khu vực ngoại ô và khu vực Mỹ Đình cũng nằm trong sự phát triển này. Đặc biệt, đây là khu vực được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội rất tốt dẫn đến tốc độ phát triển vượt bậc của khu vực Mỹ Đình”.
Sự thay đổi ngoạn mục của khu vực Mỹ Đình bắt nguồn từ chính sách quy hoạch bài bản của TP. Hà Nội. Giới chuyên gia đánh giá, theo hướng mở rộng thì năm 2030 khu vực Mỹ Đình, Nam Từ Liêm sẽ là trung tâm mới của Thủ đô.
Ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Khu liên hợp thể thao quốc gia, các bộ ngành đã xây dựng trụ sở tại đây như: Bộ Nội Vụ, Ngoại Giao, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi trường và Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng các cao ốc văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao tại khu vực Mỹ Đình đã vượt lên so với các khu vực nội thành cũ khi hội tụ các khách sạn lớn nhất Hà Nội như: InterContinental, JW Mariott, FPT Complex, Grand Plaza… Khu vực Mỹ Đình có hàng loạt các dự án cao cấp nhằm đáp ứng đầy đủ từ dịch vụ đến tiện nghi điển hình như: Vinhomes Gardenia Mỹ Đình, The Matrix One, Mon City, Golden Field Mỹ Đình… hứa hẹn mang lại giá trị đầu tư cao trong tương lai.
Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội hiện đại bậc nhất Thủ Đô với những trung tâm thương mại cao cấp như: The Garden, Vincom Plaza Skylake, Vincom Plaza Trần Duy Hưng...; những cơ sở y tế chất lượng cao như: Bệnh viện 5 sao An Sinh đang xây dựng, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, KeangNam… hay các trường học chất lượng quốc tế như: Marie Curie, Chuyên Hà Nội - Armsterdam, Quốc tế Việt Úc… cũng là những yếu tố quan trọng giúp thay đổi bộ mặt của khu vực Mỹ Đình.
Sự chuyển dịch “trung tâm mới”
Sự xuất hiện của các công trình hạ tầng, dự án, khu đô thị đã giúp nâng cao đời sống người dân và tạo ra làn sóng chuyển dịch trung tâm về khu vực Mỹ Đình. Dự báo trong tương lai, xu thế này còn mở rộng và ngày càng giúp Thủ đô hiện đại và năng động hơn. Được biết, khu vực phía Tây còn là nơi hình thành một không gian sống đa quốc gia với nhiều chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đến làm việc và sinh sống. Đây chính là yếu tố giúp cho thị trường phía Tây Thủ đô xuất hiện nhiều dự án mới, đặc biệt là những sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp.
Bà Lê Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), 50 tuổi, chia sẻ: “Gia đình chúng tôi đã sống tại đây nhiều năm qua, từ thời bố mẹ tôi đã ở khu Mỹ Đình này rồi. Vào những năm 2000, ít ai nghĩ khu vực Mỹ Đình lại có thể hình thành những khu đô thị, tập trung nhiều toà nhà cao ốc như bây giờ, bởi trước đây, khu vực này chỉ là những ruộng đồng mênh mông, dân cư thưa thớt”.
Bà cũng cho biết thêm: “Gia đình tôi có căn nhà ở khu Mỹ Đình 2, cho thuê đã nhiều năm qua. Năm 2018, gia đình tôi đã quyết tu sửa và xây thành chung cư mini để cho thuê văn phòng, nó đem lại nguồn thu nhập lớn gấp nhiều lần so với việc cho thuê kinh doanh nhỏ lẻ trước đây”.
Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, khu vực phía Tây Hà Nội đang hội tụ các yếu tố cần và đủ để xây dựng, phát triển, duy trì một trung tâm mới của thành phố. Đây là khu vực có tốc độ phát triển nhanh với nhiều dự án, trong đó có các dự án trọng yếu của Chính phủ, các trung tâm thương mại lớn, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, khu giải trí, các dự án nhà ở cao tầng và sơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh.
Anh Nguyễn Quân, 37 tuổi chia sẻ rằng: “Gia đình tôi đã chuyển về sống tại căn hộ thuộc khu chung cư cao cấp tại khu vực Mỹ Đình được vài năm. Với tôi, đây là quyết định đúng đắn và mình cũng không có dự định chuyển vào khu trung tâm Hà Nội. Điều mình thích nhất là ở khu vực này có nhiều trường học quốc tế cho con trẻ, rộng rãi, hiện đại, có riêng từng khu để các con hoạt động các bộ môn ở ngoài trời. Ngoài ra, tôi thấy khu vực Mỹ Đình cũng đầy đủ mọi thứ từ siêu thị, trung tâm thương mại đến bệnh viện quốc tế. Mọi thứ đều rất hiện đại và tiện lợi”.
Nhiều chuyên gia bất động sản đã phải dùng từ “ngoạn mục” để nói về sự thay đổi hạ tầng của khu vực Mỹ Đình. Bởi không phải bây giờ bất động sản Mỹ Đình mới sốt, mà những năm trước, biệt thự Mỹ Đình và đất mặt đường Lê Đức Thọ đã luôn “sánh vai” cùng biệt thự Tây Hồ và nhà phố cổ.
Theo báo cáo quý III/2021 của Savills Việt Nam, trong 5 năm qua, nguồn cung lớn nhất của thị trường Hà Nội thuộc về khu Tây Hà Nội, mà cụ thể là giá nhà sơ cấp tại hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm tăng 10% mỗi năm từ năm 2017 đến nay. Lượng giao dịch tại thị trường bất động sản Mỹ Đình luôn được ghi nhận với con số lớn. Điều này cho thấy tiềm năng và sức hấp dẫn lớn của khu vực Mỹ Đình đối với các nhà đầu tư và khách hàng.
Vai trò của các doanh nghiệp bất động sản đối với “trung tâm mới”
Theo các nghiên cứu thị trường của Savills hay CBRE cho thấy, vài năm gần đây, khu vực phía Tây Hà Nội liên tục chiếm vị thế với sự thay da đổi thịt nhờ các dự án lớn. Quan sát thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Hà Nội đã tập trung đầu tư nguồn kinh phí lớn cho các dự án mở rộng, xây dựng các tuyến đường thuộc khu vực phía Tây Thủ Đô.
Cùng với sự phát triển về hạ tầng là sự góp mặt của nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như: Vingroup, FLC, Indochina Capital, HD Mon Holdings, Sunshine Group... đã tạo nên nguồn cung đầy tiềm năng cho khu vực Mỹ Đình.
Có thể thấy, vai trò của các chủ đầu tư có tên tuổi đã tác động lớn đến thị trường bất động sản Mỹ đình khi thu hút được nhiều cộng đồng dân cư, nâng cấp “vóc dáng” cho khu vực Mỹ Đình trở thành một đô thị kiểu mẫu bậc nhất Hà Nội, phù hợp với phong cách sống của cộng đồng cư dân hiện đại văn minh.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Điệp: “Xu thế chung của ngành xây dựng hiện nay là đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị hiện đại và tiện ích… nên đại bộ phận các tập đoàn lớn trong và ngoài nước thường nhắm vào các khu đất ở ngoại ô, có dư địa về diện tích đất đai, kết cấu hạ tầng tốt. Trong khi đó, Mỹ Đình là khu trung tâm mới có diện tích lớn đáp ứng được những yêu cầu trên vì thế, nó đã tạo thành xu thế chung của các doanh nghiệp và chủ đầu tư”.
“Nhờ việc áp dụng công nghệ cao, bắt kịp những xu thế mới và có những giải pháp tài chính nhạy bén cho nhà đầu tư bất động sản nên hầu hết các công trình xây đến đâu, đều có người ở đến đó, dù khu đô thị có nằm xa trung tâm Thủ đô”, ông Điệp chia sẻ.
Theo nhận định nhiều chuyên gia, sức hút của khu vực Mỹ Đình nói chung và thị trường địa ốc tại Thủ đô nói riêng được dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Mặc dù 2 năm qua thị trường phải gánh chịu những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên mức độ hấp thụ của các dự án ở Mỹ Đình vẫn tốt mà không cần quảng bá nhiều, nên giá trị bất động sản nơi đây được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng.
Sự hội tụ của cộng đồng dân cư cùng kiến trúc, đô thị hạ tầng và sự kết nối các khu vực sẽ “biến” nơi đây thành một “trung tâm mới”, một khu đô thị phát triển vượt bậc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của Thủ đô Hà Nội.