Hỗ trợ vay mua căn nhà đầu tiên gỡ khó cho thị trường địa ốc
Nhiều người đi vay đang mòn mỏi chờ lãi suất hạ nhiệt, tuy nhiên những diễn biến từ thị trường khiến những hy vọng cứ vụt lên rồi lại chợt tắt. Trong bối cảnh khó, việc người dân được hỗ trợ vay mua căn nhà đầu tiên được cho là “lối thoát hiểm” giúp doanh nghiệp xử lý núi hàng tồn kho hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời ngăn thị trường đóng băng.
Xử lý núi hàng tồn kho bất động sản
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất hỗ trợ người mua căn nhà đầu tiên với mức giá không quá 2 tỷ đồng được vay lãi suất 4,7%/năm trong thời hạn 10-20 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Nguồn cung mất cân bằng, thiếu nhà ở vừa túi tiền, thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân.
Vì vậy, ông Châu cho rằng, việc người dân được hỗ trợ vay mua căn nhà đầu tiên sẽ là “lối thoát hiểm” giúp doanh nghiệp xử lý núi hàng tồn kho hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời ngăn thị trường đóng băng trong bối cảnh hiện nay.
Đề xuất này cho thấy, giải pháp hỗ trợ người dân vay mua căn nhà đầu tiên từ quốc gia tỷ dân rõ ràng là một gợi ý đáng để tham khảo nhằm gỡ khó cho thị trường địa ốc trong nước. Đặc biệt là khi hầu hết người mua nhà những năm qua đang phải chịu mức lãi suất thương mại bình quân 9-10%/năm.
Thực tế, từ cuối quý II/2022 đến nay, không chỉ lãi suất “nhảy múa”, việc tiếp cận nguồn vốn của người mua nhà cũng gặp nhiều trở ngại. Có trường hợp lãi suất cho vay đối với cá nhân được thông báo cao nhất lên đến 17,5%, khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà, đất để ở thực phải "chùn tay".
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, những chính sách đưa ra không chỉ là giải pháp “cứu” doanh nghiệp bất động sản, chính sách hỗ trợ người mua căn nhà đầu tiên nếu được thông qua cũng sẽ là chính sách đầy nhân văn và được lòng dân. Gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ giai đoạn 2013-2026 là một minh chứng.
Ở góc nhìn chuyên gia, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là giải pháp có thể làm được, tuy nhiên ngân hàng cũng là một doanh nghiệp cần đảm bảo dòng tiền để vận hành. Vì vậy, các yêu cầu về điều kiện cho vay, chuyển nhóm nợ, hệ số rủi ro... đều phải được thực hiện rất nghiêm ngặt, bởi nếu doanh nghiệp, người vay mua nhà không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào áp lực nợ xấu, gây bất ổn, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
"Ngân hàng nhà nước sẽ có biện pháp cụ thể, và trong trường hợp các gói ưu đãi được đưa ra để hỗ trợ mua căn nhà đầu tiên, người vay cũng cần phải tính toán để từ đó chủ động trong việc trả nợ và thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã kí kết”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Đưa giá bất động sản phù hợp với thu nhập
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội cũng có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả. Thủ tướng lưu ý không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Bên cạnh đó, công tác điều hành phải bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng cho rằng phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, cần phân tích giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất hay không?
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cũng tại Hội nghị, trình bày về thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu liên quan đến pháp luật về đất đai: Khó khăn vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất…, đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án).
Bên cạnh đó, khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, theo báo cáo của các doanh nghiệp thì để thực hiện thủ tục này mất thời gian 1-2 năm.
Đặc biệt, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng.