Homestay Ba Vì giá 1 triệu USD, bằng căn nhà ống 80m2 trong ngõ Hà Nội
Một chính chủ rao bán khu homestay diện tích 2.000m2, giá 25,4 tỷ đồng tại Ba Vì, Hà Nội. Mức giá bán này bằng một căn liền kề khoảng 80m2 ở ngõ nhỏ Hà Nội.
Anh Tuấn - chủ nhà cho biết, khu homestay này có view mặt hồ, nằm tại thôn Chóng, xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội. Khu homestay nằm trong quần thể các khu resort nghỉ dưỡng như Thang Mây, Bản Xôi, Làng Quýt Retreat... Chỉ cách Làng văn hóa 54 dân tộc 3km, vườn Quốc gia Ba Vì 15km, cách Big C Hà Nội 40 phút lái xe đường cao tốc.
Tại khu homestay diện tích 2.000m2 được xây dựng 7 khối nhà lớn nhỏ bao gồm: villa, nhà sàn, nhà mộc, nhà rông, bugalow... với 3 bể bơi, khai thác tối đa 70 khách.
Anh Tuấn dự kiến bán khu homestay này giá 25,4 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD). Giá bán bằng một căn liền kề 80m2 trong ngõ nhỏ ở Thủ đô nhưng cơ hội tăng giá đất gấp 2 trong 4 năm. Chủ nhà cho biết thêm khu homestay có giấy phép kinh doanh đang vận hành, tạo ra dòng tiền tốt, sổ đỏ có đất ở lâu dài.
Ngoài khu homestay trên, anh Tuấn cho hay còn một khu khác ở Ba Vì cùng diện tích 2.000m2 nhưng giá rẻ hơn chỉ 13 tỷ đồng. Khu homestay này không có hồ, kinh doanh kém hơn, có 1.300m2 nằm trong sổ đỏ, còn lại ngoài sổ.
Khoảng vài năm gần đây, nhiều đại gia “bỏ phố về rừng” làm homestay để đầu tư nhà nghỉ dưỡng. Tại miền Bắc, đa phần các khu nghỉ dưỡng nằm ở khu vực Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) hoặc một số huyện như Lương Sơn, Đà Bắc (Hoà Bình). Tại khu vực phía Nam, các farmstay, homestay nghỉ dưỡng ở vùng ven T. PHCM hoặc khu vực Bình Thuận, Kon Tum…
Thế nhưng, sau trào lưu này, nhiều “nhà giàu” đua nhau rao bán homestay, thậm chí không ít người chật vật rao bán cắt lỗ mong thu tiền về.
Nhiều ý kiến cho rằng homestay thực sự không phải là bỏ tiền tỷ thu tiền lẻ mà là thương vụ tiền tỷ “núp dưới vỏ bọc” homestay. Một nhà đầu tư có thể mua vài nghìn m2 đất với giá rẻ, đầu tư xây dựng thêm rồi dự định bán kiếm lời vài tỷ. Ngoài ra, homestay cũng là vỏ bọc để chủ nhân tung ra cho khách hàng đến homestay nếu có nhu cầu đầu tư thì chủ nhà sẽ bán để kiếm lời.
Cũng có ý kiến bình luận homestay là kiểu "quê không ra quê" mà "phố không ra phố". Hơn nữa, hầu hết đều làm tay ngang, tự phát mà không có chuyên môn về kinh doanh, quản lý dịch vụ lưu trú nên khó có thể làm hài lòng khách. Homestay chỉ hợp dành cho một nhóm nhỏ đối tượng khách trẻ, chỉ có nhu cầu chính là chụp ảnh selfie, không có yêu cầu cao về tiện nghi.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, từng đưa ra cảnh báo về vấn đề dùng đòn bẩy tài chính để kinh doanh bất động sản. Theo ông Đính, đã có nhiều bài học, thậm chí mất tài sản vì đầu tư bằng dòng tiền vay vốn mà không tính toán được việc cân bằng lãi suất, thu - chi. Đặc biệt, kinh doanh homestay đòi hỏi rất nhiều kiến thức và cả kinh nghiệm thực tế về quản lý dòng tiền, hiệu suất đầu tư, vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng.
"Loại hình bất động sản nào cũng cần tránh hiện tượng đầu tư ồ ạt, làm theo trào lưu, vì lạm dụng điều này dễ dẫn đến tình trạng vỡ trận. Thực tế, hiện nay ở nhiều vùng ven Hà Nội, có tình trạng phổ biến hơn một nửa thôn, xã làm homestay, khu nghỉ dưỡng, trong khi lượng khách du lịch đến trải nghiệm thưa thớt, không đủ mang lại lợi nhuận so với số vốn bỏ ra ", ông Đính nói.