HoSE ngừng giao dịch phiên chiều 1/6, cổ phiếu họ Vingroup giao dịch tích cực

HoSE chỉ giao dịch trong phiên sáng do dòng tiền đổ quá mạnh vào thị trường. Bộ ba cổ phiếu họ Vingroup đóng vai trò quan trọng giúp VN-Index tăng mạnh.

Phiên giao dịch ngày 1/6 của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến theo cách ít nhà đầu tư nào nghĩ đến. Thị trường tiếp tục duy trì được đà hưng phấn của các phiên trước, các chỉ số đều giữ được sắc xanh tốt ngay từ đầu phiên.

Dù áp lực bán có đôi lúc đẩy VN-Index lùi dần về mốc tham chiếu, nhưng dòng tiền vẫn “ồ ạt” đổ vào thị trường giúp VN-Index ngay lập tức nới rộng đà tăng.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy đến khi dòng tiền quá mạnh ở phiên sáng với khối lượng khớp lệnh vượt 21.700 tỷ đồng đã dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống của HoSE. Thông báo của HoSE cho biết được sự chấp thuận của thuận của Chủ tịch UBCKNN, HoSE công bố ngừng giao dịch buổi chiều 1/6. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng. Như vậy, việc hi hữu đã xảy ra khi HoSE phải ngừng giao dịch do “tiền quá nhiều”.

Phiên 1/6 chứng kiến sự chuyển dịch của dòng tiền khi nhiều cổ phiếu “nóng” đợt vừa qua như STB, VCI, HCM, SSI, BID, LPB... đồng loạt giảm giá sâu và tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung. STB giảm 4,1% xuống 32.400 đồng/cp, SSI giảm 1,6% xuống 43.700 đồng/cp, BID giảm 1,4% xuống 48.000 đồng/cp, LPB giảm 1,2% xuống 29.600 đồng/cp. Bên cạnh đó, các mã lớn như VJC, MSN, MWG... tiếp tục nối dài chuỗi ngày đi xuống.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Chiều ngược lại HPG vẫn giữ được sự tích cực và tiếp tục tăng 5,3% lên 55.500 đồng/cp. Các mã như FPT, PVD, ACB, HDB... cũng đồng loạt tăng giá tốt nên giữ được sắc xanh của các chỉ số. Dòng tiền phiên 1/6 chảy mạnh vào một số cổ phiếu lớn giao dịch ảm đạm thời gian qua là VCB, VIC, VHM hay VRE. Trong đó, VCB tăng mạnh 5,2% lên 103.700 đồng/cp. Trong nhóm cổ phiếu họ Vingroup, VRE tăng mạnh nhất với 4,4% lên 30.700 đồng/cp. VIC tăng 2,1% lên 120.000 đồng/cp và VHM tăng 1,4% lên 104.000 đồng/cp.

Bên cạnh nhóm Vingroup, 2 cổ phiếu bất động sản lớn khác là NVL và THD cũng biến động tích cực. NVL tăng 0,9% còn THD tăng 0,2%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra vẫn rõ nét. Trong đó, các mã thanh khoản cao như NDN, NLG, HDG, TIG, CEO... đều giữ được đà tăng tốt. Trong đó, NLG tăng 5% lên 40.950 đồng/cp. Theo thông báo mới đây, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch CTCP NLG đã bán 1,3 triệu cổ phiếu từ 28/5 đến 31/5 theo phương thức thỏa thuận như đăng ký trước đó. Trong khi đó, bà Ngô Thị Ngọc Liễu, mẹ thành viên HĐQT Cao Tấn Thạch vừa thông báo muốn bán 1,5 triệu cổ phiếu NLG nhằm cân đối tài chính cá nhân. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, dự kiến từ ngày 3/6 đến ngày 2/7.

KDH tăng nhẹ 0,3% lên 39.550 đồng/cp. KDH mới có thông báo 14/6 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, công ty sẽ phát hành 55,88 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 10% để trả cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2020.

Chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên nhiều mã bất động sản thanh khoản cao như IDC, FIT, TCH, PDR, KBC... Trong đó, IDC giảm đến 3,15, FIT giảm 2,3% sau chuỗi 6 phiên tăng giá liên tiếp.

Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,73 điểm (0,73%) lên 1.337,78 điểm. Toàn sàn có 169 mã tăng, 244 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,62 điểm (0,2%) lên 318,47 điểm. Toàn sàn có 130 mã tăng, 75 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng tăng 0,1 điểm (0,11%) lên 88,87 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE dừng lại ở mức 21.760 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh với 4.500 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh sàn HNX có phần giảm so với phiên trước và ở mức 1.710 tỷ đồng. Tương tự như phiên trước, không có bất kỳ cổ phiếu bất động sản nào lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh trong phiên 1/6.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại vẫn bán ròng khoảng hơn 590 tỷ đồng trong phiên 1/6. VIC và CII là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 58 tỷ đồng và 14,6 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM và VRE được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 73 tỷ đồng và 46 tỷ đồng. KDH cũng là một cổ phiếu bất động sản khác được mua ròng mạnh với 24,8 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ ba liên tiếp với thanh khoản suy giảm trong bối cảnh HoSE chỉ giao dịch trong phiên sáng. Điều này kết hợp với diễn biến intraday trong phiên sáng cho thấy áp lực bán gia tăng mạnh từ khoảng 10h30 trở đi khiến mức tăng bị thu hẹp đáng kể. Trên góc độ sóng elliott, sóng tăng 5 trong kịch bản tích cực sẽ bằng khoảng 161,8% sóng điều chỉnh 4 tương đương với khoảng 325 điểm và target trên lý thuyết của VN-Index đợt này sẽ là quanh ngưỡng 1.325 điểm. Trong phiên, chỉ số này đã có lúc vượt mức target khoảng 20 điểm lên quanh ngưỡng 1.345 điểm rồi xuất hiện áp lực bán mạnh. Do đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 2/6, thị trường có thể sẽ rung lắc mạnh khi áp lực bán tiếp tục gia tăng./.

Tuấn Hào

Theo Reatimes