Hút vốn đầu tư ngoại vào thị trường bất động sản
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài có sẵn tiềm lực đang chờ cơ hội và thời điểm để "rót vốn" vào các dự án tiềm năng tại Việt Nam. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp nắm giữ các dự án “sạch” có thể bán, chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án để xoay sở dòng tiền trả nợ. Tuy nhiên, làm thế nào để hút vốn đầu tư ngoại thuận lợi chảy về Việt Nam lại là một vấn đề.
Hơn 66 tỷ USD vốn ngoại rót vào 1.100 dự án bất động sản
Các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế có mối tương quan thuận chiều với tốc độ tăng thu hút FDI thực hiện hàng năm ở Việt Nam. Việc gia tăng vốn FDI được giải ngân sẽ làm mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào bất động sản luôn chiếm tỷ trọng lớn. Kinh doanh bất động sản đang đứng thứ hai trong danh sách những ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2022, với số vốn hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong năm 2023, tính đến thời điểm nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đạt gần 450 tỷ USD; trong đó FDI vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “hiện bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI, xếp sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; trong đó đã có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản…”
Trong cả nước hiện có 45 tỉnh, thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đánh giá về mô các dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn.
Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên đến hàng tỷ USD. Tiêu biểu như dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồ Tràm tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam,...
Giải pháp thu hút FDI vào bất động sản tại Việt Nam
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vướng mắc cơ bản cản trở việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và vào thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng hiện nay là bất cập của quy định pháp luật, thủ tục hành chính còn phức tạp.
Trước đó, tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT đã đề xuất một số vấn đề như: rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam cần điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản.
Đồng thời, ban hành và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để đảm bảo phân bố hợp lý, tương ứng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
TS. LS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam |
TS. LS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra 7 nhón giải pháp giúp thu hút nguồn vốn FDI vào thị trường Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, cần tạo ra một “sân chơi” rộng mở, bình đẳng cho “người chơi” là các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thứ hai, cải cách mạnh mẽ chính sách, pháp luật liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tối giản thủ tục, rút ngắn thời gian cho thủ tục hành chính.
Thứ tư là tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, trong đó có hạ tầng kỹ thuật như năng lượng; công nghệ thông tin; hạ tầng xã hội như các khu phi thuế quan (duty free zone), trường học, bệnh viện quốc tế và các khu vui chơi giải trí để tạo sự hấp dẫn. Đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật như làm mới, mở rộng sân bay, cảng tàu du lịch quốc tế, đường cao tốc và mạnh dạn đẩy nhanh dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam nhằm kết nối các cực tăng trưởng, thuận lợi di chuyển và giảm giá thành.
Thứ năm, xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia về đất đai nói riêng và bất động sản nói chung để quản lý và hỗ trợ thông tin cho các nhà đầu tư.
Thứ sáu, đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế về marketing, bán hàng, thẩm định giá, đặc biệt là quản lý, vận hành khu đô thị, khu du lịch, khách sạn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản.
Cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động truyền thông, quảng bá về Việt Nam ra thế giới.