Khó phát hiện tội phạm rửa tiền do lẩn khuất...

Theo LS Trương Xuân Tám, cơ quan chức năng khó phát hiện tội rửa tiền do những dấu hiệu cấu thành lẩn khuất trong các vụ việc dân sự khác.

Qua 8 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng chống rửa tiền. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo NHNN, từ năm 2013 đến nay, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đã tiến hành hơn 500 cuộc thanh tra trong đó có nội dung thanh tra về phòng, chống rửa tiền, 3 cuộc thanh tra chuyên đề về phòng, chống rửa tiền đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả ban đầu cho thấy về cơ bản các ngân hàng đã tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống rửa tiền, chưa phát hiện những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, cho đến nay Việt Nam đã xét xử nhiều vụ án với tội danh rửa tiền theo Điều 251 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 như: Vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines); Vụ án liên quan đến đường dây đánh bạc do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, cầm đầu Vụ án Lê Thị Hà Nội do Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử tháng 11/2019...

Lý giải với Đất Việt về việc các cuộc thanh tra của các cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp vi phạm về phòng chống rửa tiền, LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ ra hai lý do.

Theo đó, việc phát hiện các trường hợp vi phạm về phòng, chống rửa tiền ngoài việc tùy thuộc vào sự tích cực của cơ quan chức năng còn liên quan đến việc các cơ quan này chưa có các công cụ đủ mạnh và hữu hiệu để làm bật yếu tố rửa tiền.

Ông "trùm" cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương chủ yếu rửa tiền vào việc mua bất động sản, gửi tiết kiệm, góp vốn vào các dự án BOT...  
Ông "trùm" cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương chủ yếu rửa tiền vào việc mua bất động sản, gửi tiết kiệm, góp vốn vào các dự án BOT...  
 

Phân tích cụ thể, vị luật sư cho biết, tội Rửa tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam mà những dấu hiệu cấu thành, chứng cứ để tìm ra nó rất khó do lẩn khuất, lẫn vào trong các vụ việc dân sự khác như tặng cho, mua bán bất động sản... đòi hỏi phải có nghiệp vụ điều tra, thẩm quyền của cơ quan điều tra, còn cơ quan thanh tra lại chưa được giao quyền hạn lớn để có biện pháp tạm giam, tạm giữ, tịch thu hay kê biên... Chỉ đến khi cơ quan điều tra bắt được đối tượng và đối tượng khai ra thì mới bắt đầu rõ".

Bên cạnh đó, theo LS Tám, theo quy định, những giao dịch đáng ngờ thông qua ngân hàng phải báo cho cơ quan kiểm soát về rửa tiền. Tuy nhiên, dù thực tế có những giao dịch tài chính hàng trăm tỷ đồng nhưng chưa có vụ rửa tiền nào được phát hiện qua thanh tra, hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

"Hiểu một cách khái lược, hành vi rửa tiền là dùng những đồng tiền "bẩn", tiền bất minh, phi pháp ẩn vào những tài sản khác, làm cho nó trở nên sạch sẽ, hợp pháp.

Trong quá trình di chuyển, không phải lúc nào các đối tượng cũng đưa 100% tiền "bẩn" vào, mà cả tiền sạch lẫn tiền "bẩn" lẫn vào nhau.

Chẳng hạn, một đối tượng cho vay nặng lãi, tiền thu lời bất chính được khoảng 10 tỷ đồng, nhưng đối tượng mua bất động sản giá 50 tỷ đồng, 40 tỷ đồng trong đó là tiền sạch lẫn vào trong đó, cần phải bóc tách.

Đáng lưu ý, đối tượng phải có ý thức che giấu tiền "bẩn" thì mới hội đủ yếu tố của tội Rửa tiền.

Như trong tội Cho vay nặng lãi, bị can cho vay nặng lãi được xác định là có tội, nhưng đối tượng ấy không có ý định giấu tiền đó đi, tức rửa tiền, mà chỉ vì con nợ không trả được tiền nên gán nhà đất, đó là quan hệ dân sự có nợ thì phải trả. Trong trường hợp ấy, giá trị của tài sản là đồng tiền thu lợi bất chính nhưng không có yếu  tố chủ quan của người phạm tội rửa tiền. Cho nên, không phải bất kỳ người nào vay nợ nhau rồi cấn nợ bằng nhà đất cũng thành tội Rửa tiền.

Đối với tội phạm Rửa tiền, ngay từ đầu đối tượng đã biết đó là tiền phi pháp (ví dụ, tiền buôn ma túy, cướp nhà băng...) mang từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác để đầu tư kinh doanh, cố tình che giấu nó bằng cách đầu tư không cần lấy lãi, mua với giá đắt để hợp thức hóa đồng tiền "bẩn", LS Trương Xuân Tám chỉ rõ.

Từ những phân  tích này, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, để xác định tội Rửa tiền không dễ dàng, phải đánh giá được ý thức chủ quan của người bị quy kết phạm tội Rửa tiền, tức người đó có cố tình che giấu đồng tiền "bẩn" hay không.

Cần mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền 

Theo LS Trương Xuân Tám, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 về khoa học và công nghệ, các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có nhiều thay đổi so với các sản phẩm, dịch vụ truyền thống. Do vậy, cũng xuất hiện các loại hình tổ chức kinh doanh có nguy cơ cao bị lợi dụng để rửa tiền như: tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay ngang hàng, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo nhưng không phải là đối tượng báo cáo theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền nên không phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền.

"Đến nay, NHNN Việt Nam không thừa nhận tiền ảo là tiền tệ nên khó quản lý, hệ thống pháp luật để "lọt lưới" một dạng phương tiện thanh toán, có giá trị có thể quy đổi ra tiền. Cho nên, thiết nghĩ cần hoàn chỉnh khung pháp lý, quy định rõ tiền ảo là gì, được phép giao dịch ở mức độ nào, cho phép chuyển nhượng, cho phép giao dịch, mua bán hay cho phép thanh toán và cả những biện pháp xử lý khi tiền ảo bị sử dụng một cách bất hợp pháp...

Chỉ khi có khung pháp lý rõ ràng thì chúng ta mới quản lý được tiền ảo, các cơ quan chức năng mới có cơ sở để theo dõi tiền ảo, theo dõi các giao dịch tiền ảo lớn, lừa đảo bằng tiền ảo rồi đổi sang tài sản khác, hiện thực hóa lợi nhuận. Kẽ hở này đã diễn ra một vài năm nay, trong khi hệ thống pháp luật chưa cập nhật kịp, cần phải hoàn thiện", LS Tám bày tỏ quan điểm.

Cũng theo vị luật sư, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam dễ trở thành nơi các đối tượng lợi dụng để rửa tiền, đặc biệt là rửa tiền xuyên quốc gia. Một phần nguyên nhân là vì hạ tầng về kinh tế, tài chính của Việt Nam còn sơ khai, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt ở Việt Nam còn nhiều nên khó kiểm soát hành vi hối lộ, buôn lậu, đánh bạc... và là nơi để các đối tượng đưa tiền "bẩn" vào. Cho nên, LS Tám đề nghị Việt Nam cần mở rộng đối tượng áp dụng luật phòng chống sửa tiền, tránh để luật chỉ mang tính hình thức.

"Cần cập nhật và khắc phục những bất cập của pháp luật để cơ quan thanh tra, kiểm tra có quyền năng để phát hiện và có biện pháp buộc những đối tượng tình nghi rửa tiền phải giải trình, để cơ quan chức năng có quyền kê biên những tài sản nghi ngờ. Tất nhiên, bên cạnh đó là phải xử cho đúng, nếu không có ý thức chủ quan rửa tiền thì không thể khởi tố tội Rửa tiền", LS Trương Xuân Tám nói.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong lĩnh vực hải quan, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán và trò chơi có thưởng, Bộ Tài chính đã đưa nội dung phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố vào đề cương thanh tra, kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực do Bộ Tài chính quản lý.

Từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài chính đã tiến hành 11 cuộc thanh tra về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm, 68 cuộc thanh tra trong lĩnh vực chứng khoán, 52 cuộc thanh tra trong lĩnh vực Quản lý quỹ, 06 cuộc thanh tra trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, về cơ bản các doanh nghiệp đã tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền; chưa phát hiện trường hợp vi phạm về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong lĩnh vực bất động sản, hàng năm, Bộ Xây dựng (Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản) có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Sở Xây dựng các địa phương kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản trong việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Năm 2013, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản đã tiến hành 03 đợt kiểm tra tại 24 sàn bất động sản ở Hà Nội về công tác phòng, chống rửa tiền và 62 cơ sở đào tạo nghiệp vụ môi giới, định giá và quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản về đào tạo phòng, chống rửa tiền. Năm 2015, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống rửa tiền tại 10 sàn giao dịch lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong lĩnh vực luật sư, công chứng, hiện nay, cả nước có khoảng 4100 tổ chức hành nghề luật sư; 1026 tổ chức hành nghề công chứng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức, hoạt động của luật sư, công chứng những năm qua, Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp và Thanh tra bộ) chưa phát hiện trường hợp nào khi thực hiện dịch vụ pháp lý, công chứng có liên quan đến giao dịch nghi ngờ rửa tiền.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện quy trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về công tác phòng, chống rửa tiền nhằm đánh giá độc lập khách quan về tính hiệu quả, tính tuân thủ quy định nội bộ và pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Cho đến nay, Bộ Quốc phòng chưa phát hiện tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của quân đội vi phạm pháp luật, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thành Luân

Theo Đất Việt