Khóc ròng với chung cư tái định cư Sài Gòn – Kỳ 2: Liên tục hư hỏng

TNNĐ-Nhiều cư dân tại chung cư tái định cư (CCTĐC) Tân Mỹ (quận 7, TP.HCM) khóc ròng vì tình trạng mất vệ sinh, thang máy hư, sự cố xảy ra như cơm bữa suốt 5 năm nay.

Thang máy bấm đi lên thì lại đi xuống, có khi đang đi thì dừng hoặc rơi tự do, bấm tầng 5 thì lên tầng 10,… đó là hiện trạng thang máy hiện nay tại CCTĐC Tân Mỹ.
Đứng trong thang máy không biết chết lúc nào!


Năm 2011, hàng trăm người dân dọc kênh quận 8 vui mừng vì sau khi giải tỏa thuộc diện TĐC được sắp xếp vào ở tại CCTĐC Tân Mỹ, nằm ngay giữa trung tâm quận 7, trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng sang trọng.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu về đây, người dân đã phải dở khóc dở cười với chuyện chất lượng cơ sở hạ tầng tại chung cư, nhất là thang máy.


Bấm tầng này thì lên tầng khác, có khi đang đi rơi tự do, hoặc tới nơi mà đợi hoài không mở cửa, cũng có bữa không bấm nút gọi thang máy được luôn. Đi trong thang máy không biết chết lúc nào.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ block A), khi người dân mới nhận căn hộ thì tường ẩm mốc, thấm nước, thang máy thường xuyên hư hỏng. Sau khi được bảo trì, tường nhà đã tạm ổn, nhưng thang máy thì vẫn giữ nguyên trạng thái cũ, thậm chí ngày càng xuống cấp.


“Bấm tầng này thì lên tầng khác, có khi đang đi rơi tự do, hoặc tới nơi mà đợi hoài không mở cửa, cũng có bữa không bấm nút gọi thang được luôn. Đi trong thang máy không biết chết lúc nào”, bà Nguyệt bức xúc.
Ông Nguyễn Văn An (ngụ block B) cũng than thở, thang máy của chung cư lúc mở lúc tắt, nhà ông An trên tầng 11 chỉ biết “đóng đô” tại nhà mỗi lần thang máy tắt. Ông An ngao ngán: “Như vợ chồng tôi còn đi được chứ mấy đứa nhỏ trúng giờ đi học bắt đi xuống là thở không ra hơi luôn nói gì đến việc đi học”.


Do ý thức kém?
Trước tình hình thang máy khiến cả chung cư than trời thì nhiều cư dân khác lại vô cùng bức xúc vì cho rằng một số hộ dân ý thức quá kém.
Chị Lê Ngọc Trang (ngụ block B) cho biết, sở dĩ thang máy trong chung cư thường xuyên hư hỏng là do chính người dân quá lạm dụng.


Chị Trang nói: “Nhiều hộ dẫn cả chó mèo vào thang máy đi lên đi xuống, lâu lâu nó tiểu tiện ra đó cũng không thèm dọn. Rồi có nhà cho con vào thang máy bấm đi lên đi xuống để dỗ con ăn. Cứ liên tục như vậy không hư sao được”.
Khóc ròng với chung cư tái định cư Sài Gòn – Kỳ 2: Liên tục hư hỏng - Ảnh 1
Nhiều cư dân phơi đồ ra cả ngoài lan can - Ảnh: Vũ Phượng


Không chỉ thang máy, mà vấn đề vệ sinh tại CCTĐC Tân Mỹ cũng rất đáng được quan tâm vì rác xung quanh rất nhiều, nhiều căn dưới tầng trệt cho thuê làm cửa hàng nhưng không có ai thuê. Một số hộ ở trên cao vô tư quăng rác thẳng xuống đường làm khuôn viên luôn nhếch nhác.


Ban quản trị "bỏ chạy"
CCTĐC Tân Mỹ gồm 2 block với 600 căn hộ được bàn giao sử dụng từ năm 2011. Hiện tại có 350 căn có người ở, 250 căn còn trống, đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư và bầu Ban quản trị (BQT) qua 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nhiều thành viên BQT đã phải "bỏ của chạy lấy người" vì quá ức chế.


Ông Lê Văn Sáu, thành viên BQT duy nhất còn lại của chung cư ngán ngẩm: “Đã qua 2 nhiệm kỳ của BQT nhưng vẫn chưa được Công ty dịch vụ công ích quận 8 bàn giao. Tất cả chi phí bảo trì đều là BQT tự lo liệu từ việc cho thuê hầm giữ xe”.

Khóc ròng với chung cư tái định cư Sài Gòn – Kỳ 2: Liên tục hư hỏng - Ảnh 2
Tầng trệt chung cư bỏ hoang và ngập rác - Ảnh: Vũ Phượng

Cũng theo ông Sáu, nhiều thành viên Ban quản trị do không có chi phí hoạt động nên đã tự nghỉ. Còn một mình nên ông Sáu cũng không biết xoay sở thế nào. Vậy nên nhiều tháng qua, CCTĐC Tân Mỹ gần như không có BQT.


Ông Huỳnh Tấn Thông, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Tấn Thông (Đơn vị quản lý vận hành CCTĐC Tân Mỹ do BQT thuê) thì bức xúc: “Không có quỹ bảo trì nhưng việc bảo trì vẫn phải tiến hành để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân. Mỗi lần người dân báo thang máy hư là luôn có đội kỹ thuật xử lý, và tôi đảm bảo thang máy mở 24/24, hoàn toàn không có chuyện lúc tắt lúc mở”.


Ngoài ra, ông Thông còn thêm, có 1/3 số hộ dân không đóng phí quản lý vận hành 70.000 đồng/tháng, tiền quỹ bảo trì cũng không có nên tất cả các chi phí bảo trì công ty đang tạm ứng để phục vụ cư dân.
“Tôi cũng như cư dân, mong mỏi BQT được hoạt động trên kinh phí là quỹ bảo trì do chính người dân đóng, như vậy thì mới có chi phí để đảm bảo cơ sở vật chất”, ông Thông bày tỏ.

Theo Vũ Phượng
Báo Thanhnien