Không còn chuyện 1 dự án mất 3 - 5 năm chưa xong thủ tục hành chính?

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành sẽ hoá giải nỗi sợ ma trận thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản mất 3 - 5 năm hoặc lâu hơn để thực hiện các thủ tục.

Doanh nghiệp sợ ma trận thủ tục hành chính

Sau khi tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, trong đó nêu nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân có 3 nỗi sợ.

Thứ nhất là sợ "ma trận" thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản mất 3 - 5 năm hoặc lâu hơn để thực hiện các thủ tục.

Doanh nghiệp sợ ma trận thủ tục hành chính rườm rà.  
Doanh nghiệp sợ ma trận thủ tục hành chính rườm rà.  

Thứ 2 là sợ bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần. Ông nêu trường hợp Công ty Lê Thành TPHCM tự bỏ tiền mua đất để làm dự án nhà ở xã hội, không sử dụng vốn ngân sách, không nhận được ưu đãi tín dụng. Nhưng 3 năm liên tiếp, công ty này bị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán với quan điểm coi doanh nghiệp tư nhân có sử dụng đất, mà đất là tài sản công nên thuộc đối tượng kiểm toán.

Thứ 3 là sợ bị vướng pháp luật hình sự trong quá trình làm ăn sản xuất, kinh doanh.

Là doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành cũng gặp không ít khó khăn về thủ tục. Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chỉ mong đạt mức lợi nhuận rất khiêm tốn khoảng 7%, nhưng nếu thủ tục pháp lý kéo dài, chi phí tăng lên, thì mức lợi nhuận này cũng khó đạt được.

“Thủ tục pháp lý là rào cản lớn đối với doanh nghiệp và sự phát triển của thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding thẳng thắn chia sẻ khi được hỏi về những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải khi phát triển dự án.

Ông Hậu kể, doanh nghiệp của ông thực hiện một dự án tại Bình Chánh (TP.HCM). Từ khi  được chấp thuận chủ đầu tư, phải mất đến 4 năm mới hoàn thành thủ tục pháp lý. Như vậy, nếu mỗi năm mất 10% lãi vay, thì doanh nghiệp phải mất 4 năm trả khoản lãi vay.

“Về tiến độ pháp lý, câu chuyện này là muôn thuở. Tôi mong muốn làm sao để doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất dễ hơn, còn về vấn đề tài chính thì chúng tôi tự sắp xếp được”, ông Hậu nói và cho biết thêm, do tắc thủ tục pháp lý nên trong thời gian gần đây thị trường thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội.

Kỳ vọng lớn từ Nghị quyết 68

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest hào hứng, Nghị quyết 68 là “liều thuốc” đem lại niềm tin cho doanh nghiệp. Những va vấp trong quá trình thực hiện dự án sẽ không bị hình sự hóa nếu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.

Cơ chế giải quyết tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp thay vì phải "xin - cho", giúp rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục từ 3 - 4 năm xuống còn 1 năm.

Nghị quyết 68 là “liều thuốc” đem lại niềm tin cho doanh nghiệp.  
Nghị quyết 68 là “liều thuốc” đem lại niềm tin cho doanh nghiệp.  

Nay Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã hóa giải được 3 nỗi sợ trên, mở ra kỷ nguyên mới và không gian rộng mở để kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ông Châu kỳ vọng trong 10 - 15 năm tới sẽ hình thành nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân "đại bàng, sếu đầu đàn".

Ông Châu cũng đề xuất doanh nghiệp tư nhân mong muốn thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ với một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng.

Cùng với đó là cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy Nhà nước, sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển hẳn từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp và quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách triệt để thể chế pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu.

Kỳ vọng lớn là như vậy nhưng, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai Nghị quyết 68 vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Hiện vẫn còn tình trạng “trên nóng - dưới lạnh”, nhiều địa phương thực hiện quy định một cách máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Do đó, để Nghị quyết 68 thực sự tạo ra bước đột phá, các doanh nghiệp kỳ vọng vào sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, đặc biệt là trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance