Không dễ tăng cung nhà ở giá rẻ

Thị trường bất động sản tại Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng phân khúc trong đó, thiếu trầm trọng phân khúc nhà ở giá rẻ mà lại dư thừa nhà ở cao cấp. Giới chuyên gia nhận định, giữa bối cảnh thị trường như hiện nay, việc tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ là không dễ, cần nhiều hơn nữa thời gian và các chính sách có tác động mạnh mới giúp thị trường cân bằng lại được.

 

Không dễ tăng cung nhà ở giá rẻ - Ảnh 1

Giai đoạn 2019-2023, giá bất động sản tại Hà Nội tăng trung bình 6%/năm và tại TP.HCM là 3%/năm. Trong khi đó, thu nhập cá nhân chỉ tăng lần lượt 4% và 3%/năm.

Khoảng cách ngày càng lớn giữa đà tăng giá bất động sản và thu nhập khiến việc sở hữu nhà trở nên ngày càng khó khăn hơn đối với nhiều người dân có mức thu nhập trung bình và thấp.

Cùng với đó, các rào cản pháp lý, vấn đề của các nhà phát triển và sự chậm trễ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ nhà ở đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Báo cáo mới nhất của Numbeo.com (trang thông tin chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới thông qua các cuộc khảo sát) cho thấy giá nhà trung bình tại Việt Nam năm 2024 gấp gần 24 lần thu nhập trung bình một năm của hộ gia đình. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, qua các năm, mức tăng trưởng giá nhà ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng thu nhập của người dân.

Nửa đầu năm 2024, các phân khúc nhà ở tiếp tục là điểm nóng của thị trường bất động sản. Phân khúc căn hộ ghi nhận mối quan tâm tăng đột biến, dẫn đến giá sản phẩm trên thị trường thứ cấp tăng mạnh.

Nhu cầu về khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm, chủ yếu đến từ người dân có thu nhập trung bình và các hộ gia đình trẻ, vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Trong tương lai gần, TP.HCM sẽ chứng kiến sự gia tăng của các dự án cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ lại ngày càng hạn chế.

Tương tự, Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển các dự án hạng B, ngày càng thiếu trầm trọng các căn hộ giá rẻ, vừa túi tiền, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, giá căn hộ trên thị trường thứ cấp trung bình tăng 25%, thậm chí phân khúc hạng B và hạng C ghi nhận mức tăng 27% đến 29%”. Bà Hằng khuyến cáo, việc sở hữu nhà của người dân sẽ còn khó khăn hơn nữa nếu khoảng cách thu nhập và giá nhà được nới rộng.

Phải có biện pháp kìm đà tăng nóng bất động sản

Trong bối cảnh thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở giá rẻ mà phân khúc căn hộ trung và cao cấp lại không ngừng tăng giá, giưới chuyên gia cho rằng, cần phải điều tiết thị trường và kìm đà tăng giá ở các phân khúc bất động sản mới thúc đẩy giao dịch nhiều hơn.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề xuất một số giải pháp giúp kìm đà tăng nóng ở thị trường này. Theo đó, cần phải đưa ra các chính sách tín dụng nhằm điều tiết thị trường khi thị trường có sự biến động tăng hoặc giảm trên 20% trong ba tháng hoặc thị trường có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội mà không ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà để ở của người dân.

Để giảm số lượng người vay vốn với mục đích đầu cơ hoặc sử dụng đòn bẩy quá cao, các tổ chức tín dụng có thể điều chỉnh giảm hạn mức cho vay thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, yêu cầu tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn, hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn với những người mua nhà thứ hai trở lên.

Cùng với đo, cần tăng cường giám sát và quản lý tín dụng. Chính phủ có thể áp đặt các quy định về việc kiểm soát chất lượng tín dụng, yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo chi tiết hơn về các khoản vay liên quan đến bất động sản, từ đó tăng cường giám sát rủi ro.

Chính phủ cần thiết lập cơ chế tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, ưu tiên cấp vốn cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần có chính sách nới lỏng tín dụng, bao gồm việc giảm lãi suất và hỗ trợ các khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi cho người mua nhà lần đầu, hoặc một số đối tượng ưu tiên khác nhằm mục đích ổn định xã hội như vợ chồng trẻ mới kết hôn.

Việc đẩy nhanh công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản và một số chỉ tiêu ảnh hưởng để có căn cứ xác định thời điểm cần vào cuộc của nhà nước là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là trước bối cảnh giá bán bất động sản đang có nhiều quan ngại như hiện nay.

Để điều tiết thị trường bất động sản toàn diện hơn, chính sách tín dụng nên kết hợp với việc áp dụng thuế chuyển nhượng bất động sản hoặc thuế tài sản.

Đồng thời, việc áp dụng các chính sách điều tiết phải lưu ý linh hoạt, đảm bảo ổn định trật tự thị trường bất động sản, hạn chế tối đa rủi ro.

Minh Hương

Theo Chất lượng và cuộc sống