Không thỏa thuận được mức bồi thường, dự án 'đứng hình' suốt 20 năm

Đối với các dự án lớn cần giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch thì đền bù vẫn là câu chuyện dài đối với các chủ đầu tư. Khi giá nhà đất ngày càng lên cao và các cơn sốt đất càng hoành hành khiến các cuộc thương lượng giá cả đền bù dần trở nên khó khăn. Thậm chí, có dự án khu đô thị vì không bồi thường được cho chủ một số thửa đất mà bị “đứng hình” 20 năm qua.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa góp ý loạt vấn đề đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, tất cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều rất mong muốn được tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bởi lẽ trong 20 năm gần đây thì nhà đầu tư ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, nhất là đối với các phần diện tích đất còn lại cuối cùng trong khu vực dự án do các thửa đất này thường thuộc về giới “đầu nậu”, giới “đầu cơ” đất đai (đứng đằng sau người sử dụng đất).

Được biết, đại đa số các dự án bị chững lại do vướng đền bù đều còn sót lại những nền đất cuối cùng thuộc về dân “đầu cơ”, “đầu nậu”. Ông Châu dẫn chứng, một dự án bất động sản cao cấp hơn 7 ha tại Quận 2 (nay thuộc TP.Thủ Đức) chỉ vướng 2% diện tích đất do chủ đất gây khó mà mãi sau 9 năm mới bồi thường được với giá “khủng” nên dự án đã bị “đứng hình” 9 năm.

Hay dự án Khu đô thị mới Bình Trưng Đông - Cát Lái quy mô 254ha chỉ vì không bồi thường được cho chủ một số thửa đất trong dự án mà bị “đứng hình” 20 năm qua dẫn đến 14 doanh nghiệp chủ đầu tư và hàng trăm khách hàng góp vốn vẫn còn bị “mắc kẹt” 20 năm qua.

Chị Ánh Tuyết, người dân sinh sống tại khu vực có dự án bị ngừng thi công suốt nhiều năm nay tại Cát Lái, cho biết chủ đầu tư không thỏa thuận được mức bồi thường, đưa ra mức ra không thỏa đáng nên người dân chưa đồng ý giao đất. Điều này khiến cả khu đất rộng lớn bị bỏ hoang gần hai thập kỷ, để lại khung cảnh hoang tàn, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan của khu vực.

“Dự án này áng ngự nơi đây cũng hơn chục năm rồi, khi nhà tôi đến đã thấy nó ở đây. Mùa nắng thì không sao, hễ mưa xuống thì bãi hoang đất này trở thành nơi sinh ra mầm bệnh sốt xuất huyết cho cả vùng. Chưa kể đến nhiều thành phần bất hảo chọn đây là nơi hoạt động khiến cư dân nơi đây hoang mang vô cùng. Nhưng vì chưa bồi thường được cho chủ đất nền dự án vẫn chưa được triển khai”, chị Tuyết chia sẻ.

Theo ông Châu, nếu thực hiện chủ yếu phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thì còn xây dựng được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Châu cho rằng, Nghị quyết số 18 chủ trương “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” là định hướng lâu dài, đúng đắn.

Do đó, cần phải có lộ trình để tổ chức phát triển quỹ đất, trong đó có trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh dần đủ năng lực hoạt động và tích lũy được nguồn lực tài chính để bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, theo giá thị trường, tái định cư thỏa đáng cho người dân có đất bị thu hồi.

Sau đó, Nhà nước sử dụng một phần quỹ đất này để thực hiện các công trình công cộng như đường giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị phục vụ lợi ích công cộng; một phần quỹ đất phục vụ tái định cư tại chỗ cho người dân có đất bị thu hồi; phần quỹ đất còn lại đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án sản xuất kinh doanh là rất thỏa đáng, đảm bảo được “hài hoà lợi ích” giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng.

Theo Chất lượng và Cuộc sống