Khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP. HCM lỡ cơ hội tỷ USD vì vướng mắc pháp lý
Sau 30 năm phát triển, khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) có vai trò nhất định và đóng góp lớn cho nền kinh tế của TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý đang làm các KCX - KCN của TP. HCM đánh mất những cơ hội tỷ USD.
Loay hoay vì thủ tục
Khu chế xuất Tân Thuận ra đời năm 1991 đánh dấu khởi động đầu tiên cho các dự án KCX - KCN trên địa bàn TP. HCM. Năm 1992, Ban quản lý các KCX và CN TP. HCM (Hepza) được thành lập giúp thành phố thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước: giải quyết công ăn việc làm; tích lũy khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; gia tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn cung ngoại tệ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa; đô thị hóa các vùng ngoại thành. Hiện nay, quỹ đất các KCX, KCN tại TP đang đang dần bị thu hẹp, nhưng nhiều dự án đang triển khai có dấu hiệu bị hoang hóa do vướng mắc về pháp lý, giải phóng mặt bằng.
Đại diện của một Công ty đầu tư công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản cho biết, dự án của Công ty được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2019, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng trong Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) vì quá nhiều vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh quy hoạch. “Chúng tôi loay hoay không biết phải liên hệ bộ phận nào, thời gian bao lâu, trong khi dự án đã treo gần 3 năm nay”, vị này than thở.
Đa số đất thương phẩm của SHTP đã giao cho doanh nghiệp, nhưng nhiều nơi vẫn còn đất trống vì vướng thủ tục. Đến nay, còn hàng chục trường hợp đang gặp vướng mắc pháp lý, chủ yếu là về đất đai gắn với việc ban hành quyết định cho thuê đất. Không chỉ SHTP, nhiều dự án thuộc Hepza khác cũng “trì trệ” vì liên quan đến cơ chế, chính sách đất đai.
Đơn cử, dự án đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hiệp Phước – giai đoạn 2 có thời hạn hoàn thành đầu tư xây dựng là năm 2014, nhưng hiện nay vẫn chưa xong. Hiện nay, khó khăn, vướng mắc của KCN này là các cơ quan chức năng chậm giải quyết thủ tục pháp lý, dẫn tới chưa hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, kéo dài thời gian triển khai dự án.
KCN Hiệp Phước – giai đoạn 2 có thời hạn hoàn thành đầu tư xây dựng là năm 2014, nhưng hiện nay vẫn chưa xong
Đồng thời, việc chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng dẫn đến chủ đầu tư hạ tầng các KCX - KCN không thể thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai cả cho phần diện tích đã hoàn tất giải tỏa (thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nên chưa thể tiếp nhận các dự án đầu tư vào khu vực đất này, gây lãng phí quỹ đất do không được khai thác và làm mất đi cơ hội sinh lời cả tỷ USD trong gần 10 năm qua.
Cần tháo gỡ cho cơ chế “một cửa, tại chỗ”
Tại một cuộc họp mới đây, đại diện của UBND TP. HCM cho biết, trong gần 30 năm qua, Hepza đã được phân cấp, ủy quyền giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính trong KCX, KCN trong các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, xây dựng, môi trường, lao động… nên góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Nhiều dự án đầu tư tại SHTP vẫn còn vướng mắc về pháp lý nên chưa thể triển khai
Tuy nhiên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) đã bãi bỏ việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho “cơ quan, tổ chức khác” như ban quản lý KCN, KCX, mà chỉ có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp (ví dụ, cấp huyện ủy quyền cho cấp xã). Do đó, các sở, ngành, UBND quận/huyện không có cơ sở pháp lý để ủy quyền cho Hepza thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCX, KCN tại TP. HCM.
Bởi vậy, hiện nay, một số nhiệm vụ của Hepza chưa được ủy quyền từ UBND quận/huyện, như: cấp, cấp đổi, điều chỉnh cập nhật hoặc thu hồi giấy phép môi trường; phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án trong KCN thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo pháp luật về xây dựng.
Theo UBND TP. HCM, với quy định tại Khoản 5, Điều 10, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, thì dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô từ 5 ha trở lên phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng trước khi tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng.
Điều này không phù hợp cho các doanh nghiệp đầu tư trong KCN, bởi các công trình phục vụ sản xuất thông thường sẽ thay đổi khi nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp thay đổi, dây chuyền công nghệ hoặc máy móc thiết bị thay đổi. Nếu theo quy định trên, khi thực hiện bất cứ thay đổi nào liên quan đến công trình xây dựng đều phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng cho dự án. Điều này sẽ làm tốn thời gian, giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, cần phải sửa đổi những vướng víu pháp lý nêu trên thì mới hy vọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của KCX - KCN. Đồng thời, TP. HCM cũng cần cam kết kiên quyết xử lý các dự án chậm hoặc không triển khai, thu hồi diện tích đất được cho thuê và sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư. Thường xuyên rà soát, theo dõi, giám sát, đánh giá, phân loại các dự án đầu tư đang hoạt động trong KCN để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại hội thảo lấy ý kiến về “Đề án Định hướng phát triển KCX - KCN TP. HCM giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040”, ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban Quản lý Hepza đề xuất, quy hoạch KCX – KCN phải có trọng tâm trọng điểm, coi khó khăn của nhà đầu tư như chính mình, chăm sóc nhà đầu tư chu đáo và cần áp dụng mô hình trước đây, có cơ chế một cửa tại chỗ, được tự chủ tài chính cho Hepza.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, TP xác định năm 2022 là năm phục hồi đồng thời chuẩn bị điều kiện để tăng tốc vào năm 2023. TP sẽ xem xét lại tất cả các nguồn lực đầu tư vào KCN, tài nguyên đã phát huy để thu hút đầu tư mới và tái cơ cấu. Trong đó, trách nhiệm của TP tạo ra không gian, khung pháp lý hỗ trợ NĐT để tăng tốc cho KCN-KCX phát triển.