Khu đô thị thông minh là đích đến cho các nhà đầu tư đón đầu xu thế

Khu đô thị thông minh là xu hướng toàn cầu, là những khám phá về công nghệ để đưa ra trải nghiệm mới cho người dân. Và với những nhà đầu tư có thể đón đầu xu thế này thì khu đô thị thông minh chính là đích đến.

Đâu là sự khác biệt của khu đô thị thông minh? 

Thành phố thông minh, khu đô thị thông minh là khái niệm được nhắc nhiều tới trong những năm gần đây. Khi nói về tương lai, chúng ta có xu hướng nói nhiều hơn về xanh, về bền vững và về thông minh cùng những ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, để cho thấy sự bắt nhịp của Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung vào quá trình số hóa của thế giới.

Khái niệm thành phố thông minh được biết đến vào năm 2009, với khởi nguồn từ đề xuất của Tập đoàn IBM (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ, tới nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của phát triển thành phố thông minh bởi nhiều yếu tố về công nghệ, chỉnh sửa mô hình theo nhu cầu phát triển và phụ thuộc cả tiềm lực tài chính khi muốn phát triển toàn diện mô hình này.

Về khái niệm thành phố thông minh, theo Ủy ban Châu Âu: “Thành phố thông minh là nơi các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và viễn thông vì lợi ích của cư dân và doanh nghiệp. Các thành phố sử dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện quản lý và hiệu quả của môi trường đô thị”.

Trong khi đó, Liên minh viễn thông thế giới (ITU- International Telecomunications Union) định nghĩa: “Thành phố thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động và dịch vụ đô thị và khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hiện tại và các thế hệ tương lai liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường cũng như văn hóa”.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  
Tại Việt Nam, trong các năm qua, đã có 10 tỉnh, thành phố xây dựng và phê duyệt phát triển đề án đô thị thông minh dựa trên mô hình của tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin. Nhưng theo đánh giá chung thì chủ yếu các đơn vị mới chỉ tập trung việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chưa chú trọng vào việc đầu tư hạ tầng công nghệ.

Năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được Tập đoàn công nghệ IBM chọn là 1 trong 33 thành phố thông minh trên thế giới. Ngay sau đó, TP.HCM và Hà Nội cũng đã có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh khác nhau của thành phố thông minh như thử nghiệm sử dụng thẻ thay vì bán vé xe bus truyền thống, triển khai thành phố wifi, đề xuất sử dụng điện thoại di động để truyền tải thông tin tình trạng giao thông...

Ông Pablo Acebillo, Chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng, Văn phòng enCity Singapore  
Ông Pablo Acebillo, Chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng, Văn phòng enCity Singapore  
Bên cạnh sự phát triển của các thành phố lớn tại Việt Nam, nhiều chủ đầu tư, các tập đoàn bất động sản đã và đang chuyển đổi sang xu hướng phát triển khu đô thị thông minh. 

Theo đó, chia sẻ tại Tọa đàm Kiến tạo Khu đô thị thông minh & đáng sống diễn ra mới đây, ông Pablo Acebillo, Chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng, Văn phòng enCity Singapore cho hay: Khu đô thị thông minh là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân. 

Định nghĩa này được enCity xây dựng nhờ sự hỗ trợ bởi khung quy hoạch đô thị tích hợp, có sự tham gia của các bên liên quan, và sử dụng công nghệ, công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu tiên tiến.

Hệ sinh thái của khu đô thị thông minh bao gồm các bên cung cấp giải pháp, bên thụ hưởng và hệ thống hạ tầng thông minh. Sự khác biệt với các khu đô thị thông thường được chỉ ra là ở khả năng đưa ra các quyết định trong thời gian thực cho tất cả các bên một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và kinh tế.

Theo nhóm chuyên gia enCity, khu đô thị thông minh là xu hướng toàn cầu, là những khám phá về công nghệ để đưa ra trải nghiệm mới cho người dân. "Nhà đầu tư có thể đón đầu xu thế này thì khu đô thị thông minh chính là đích đến", chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng enCity nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bày tỏ: "Có thể thấy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ giúp cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Chúng ta cần ứng dụng một cách có trách nhiệm những tiến bộ khoa học công nghệ vào việc phát triển bất động sản.

Trong bối cảnh đó, chỉ khi thị trường bất động sản được vận hành theo quy luật xanh - thông minh và đáng sống hơn, nhằm giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, lấy con người làm trung tâm thì khi đó, mới đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và cộng đồng, giữa bảo tồn và phát triển để tạo ra những không gian sống nhân văn, hạnh phúc".

Trên cơ sở nghiên cứu, enCity đã đặt ra mô hình cho khu đô thị thông minh, bao gồm 4 lớp gắn kết với nhau nhờ khung quản trị, từ đó xác định nội dung và lộ trình xây dựng khu đô thị thông minh. 

Lớp thứ nhất là hạ tầng dịch vụ, gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tài chính, an ninh, giao thông, du lịch, bán lẻ, tư vấn... Đây là lớp phân phối và vận hành phúc lợi tạo ra bởi các hạ tầng thông minh khác tới người sử dụng; chi phối hầu như tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội.

Lớp thứ hai là hạ tầng số, gồm thu thập, lưu trữ, phân tích, kết nối công nghệ thông tin và truyền thông tự động hóa...

Lớp thứ ba là hạ tầng kỹ thuật, gồm bất động sản, giao thông, năng lượng, cấp nước, xử lý rác thải, mảng xanh, đường sá, năng lượng…

Lớp thứ tư là nền tảng tự nhiên, gồm nước, đất, khí hậu… Với nền tảng tự nhiên, công nghệ cho phép theo dõi, phân tích, mô phỏng và phản ứng kịp thời, hoặc tức thời cho việc chống chịu với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, công nghệ cho phép cải tạo và tái tạo thiên nhiên để phục vụ lợi ích của con người. 

"Yếu tố khiến cho khu đô thị thông minh khác biệt so với khu đô thị thông thường là hạ tầng số, đây chính là bộ não của khu đô thị thông minh. Hạ tầng số hoạt động với 6 lớp chức năng: Lớp hạ tầng kỹ thuật, lớp cảm biến, lớp kết nối, lớp phân tích dữ liệu, lớp tự động và lớp tương tác", vị chuyên gia enCity cho hay.

Ví dụ như khi có một đám cháy nhỏ xảy ra, lớp cảm biến sẽ phát hiện ra vị trí của đám cháy, truyền thông tin đến trung tâm xử lý dữ liệu, lớp phân tích dữ liệu sẽ đưa ra các giải pháp tương thích,… Song song quá trình này, lớp tương tác sẽ hoạt động để cư dân báo cáo họ ở đâu, có an toàn hay không.

Vì sao mặc nhiên cuối cùng phải là thông minh?

Việc sử dụng hạ tầng dịch vụ sẽ giúp nâng cao hiệu suất của các dịch vụ truyền thống bằng cách chuyển đổi thành dịch vụ thông minh  
Việc sử dụng hạ tầng dịch vụ sẽ giúp nâng cao hiệu suất của các dịch vụ truyền thống bằng cách chuyển đổi thành dịch vụ thông minh  
"Chúng ta nói nhiều về khu đô thị thông minh và mọi người đều mặc nhiên cuối cùng là phải thông minh, nhưng tại sao phải thảo luận về vấn đề này?", PGS.TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP.HCM đặt ra câu hỏi.

"Điều chúng ta lo lắng là một tương lai bất định, và những sự chuyển biến nhanh, đó là biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu tạo ra những biến đổi mà ta không lường trước được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả thành phố, các đô thị trên thế giới. Có một cách là ứng phó về mặt nước, nhưng, cách ứng phó hay nhất là cần dự báo để đưa ra biện pháp kịp thời nhằm giảm nhẹ thiệt hại. Chúng ta không thể dùng hạ tầng để can thiệp tự nhiên, do dó, tốt nhất là theo dõi, dự báo để hành động kịp thời, bởi nếu hành động kịp thời thì khi những biến đổi xảy ra thì thiệt hại sẽ rất ít.

Và sẽ làm tốt được điều đó nếu sử dụng công nghệ thông minh vào xây dựng, phát triển các khu đô thị. Thông minh được coi là xu thế không thể không theo", vị chuyên gia chia sẻ.

PGS.TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP.HCM  
PGS.TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP.HCM  
Theo ông Phi, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là một xu hướng tất yếu, và thực tế thì sự chuyển dịch đã bắt đầu, các nước trên thế giới đã chuyển động, ngay cả Việt Nam dù có chậm thì Nghị quyết cũng đã nhắc tới.

"Điều này tạo ra cái gì khác biệt so với những điều đang diễn ra và ảnh hưởng thế nào tới quy hoạch đô thị? Xin trả lời rằng, nó ảnh hưởng rất lớn, bởi trong cuộc cách mạng 4.0, hàng hóa không chuyển qua cảng mà chuyển qua các băng thông, người ta sản xuất không chỉ ở nhà máy mà sản xuất ngay tại nhà, tạo ra những hình ảnh khác về sản xuất, cơ cấu - hoàn toàn khác so với hiện nay.

Người ta không nhất thiết phải vận chuyển hàng hóa ra cảng để xuất đi, khi đó, nơi ở có thể cũng chính là nơi để làm việc. Và đó là nơi nền kinh tế lan tỏa khắp thế giới. Nghĩa là một khu đô thị thông minh cũng chính là chỗ ở mới của cư dân thời đại mới.

Chính vì 2 lý do này, khiến người ta dần chuyển đổi hình thức, hình thái đô thị sang một hình thức mới. Đó là lý do giải thích tính tất yếu của sự phát triển khu đô thị thông minh", PGS.TS. Hồ Long Phi nhấn mạnh.

Khu đô thị thông minh là đích đến cho các nhà đầu tư đón đầu xu thế - Ảnh 1

Ở góc độ đơn vị tư vấn quy hoạch, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity Singapore chia sẻ: "Rất khó để khái quát triết lý về khu đô thị thông minh trong một câu trả lời ngắn. Nhưng tôi cho rằng, mọi vấn đề chúng ta đang cố gắng khi xây dựng các khu đô thị thông minh phải đạt được 2 mục tiêu. Mục tiêu ngắn hạn là tạo được dự án cạnh tranh và hấp dẫn cho nhà đầu tư. Mục tiêu cuối cùng là chất lượng sống cho con người, bảo vệ môi trường để đảm bảo chất lượng sống. Tất cả những gì chúng ta làm chỉ là để tạo nên khu đô thị đáng sống".

"Công nghệ chỉ là một cách thức mới để chúng ta giải quyết được vấn đề, triết lý cuối cùng là muốn hướng đến chất lượng đáng sống", vị chuyên gia nhận định./.

Linh Chi

Theo Reatimes