Kịch bản nào cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng những tháng cuối năm 2022?
Nhiều chuyên gia nhận định thời điểm cuối năm 2022 sẽ là cơ hội dành cho bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng. Trong đó nền tảng thuận lợi chính là nguồn vốn FDI, xuất khẩu dương, sự trở lại của khách du lịch… đã trực tiếp tác động đến BĐS và BĐS nghỉ dưỡng.
BĐS nghỉ dưỡng đang khởi sắc trở lại
Trong khoảng thời gian hai năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến mọi mặt của nền kinh tế, trong đó lĩnh vực BĐS là không thể tránh khỏi. Theo đó, thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm ở hầu hết các phân khúc, riêng BĐS nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, thị trường này gần như trầm lắng trong thời gian dài.
Tin vui dành cho BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu từ trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 - 1/5 và cố gắng từ 30/3, sau khi cơ bản tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng chỉ định và có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý.
T.S Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam từng nhận xét, việc mở cửa du lịch sẽ "giải cứu" BĐS du lịch nghỉ dưỡng cùng những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã đánh dấu sự kích hoạt trở lại của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Cùng với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, chiến dịch tiêm chủng Mùa xuân đang được triển khai cũng như những chính sách nhằm thu hút du khách của nhiều địa phương, dự kiến, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng đầu tư trong năm 2022.
Thực tế, kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, liên tiếp nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng được công bố chủ trương đầu tư hoặc giới thiệu, mở bán chính thức trên thị trường. Điều này cũng cho thấy, niềm tin của các chủ đầu tư vào sự tăng trưởng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng rất lớn.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng có 52 dự án đang triển khai, tăng 98% so với quý IV/2021, cung ứng ra thị trường tổng cộng 20.118 căn hộ du lịch và 7.887 biệt thự du lịch. Số lượng dự án được cấp phép mới là 5 dự án, tăng 83% so với quý IV/2021, bao gồm 67 biệt thự du lịch và 220 văn phòng kết hợp lưu trú.
Bên cạnh đó, theo báo cáo từ DKRA Vietnam cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh của thị trường BĐS nghỉ dưỡng cả về nguồn cung và sức tiêu thụ trong quý I/2022. Cụ thể, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có 12 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1.020 căn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% (khoảng 579 căn), tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng có 13 dự án mở bán trong quý I/2022, cung cấp ra thị trường 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87% (2.408 căn), tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Phân khúc condotel ghi nhận 613 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới, tương đương 199 căn, gấp 3,3 lần so với quý IV/2021. Nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Ninh...
Còn nhiều “vướng mắc” cần được tháo gỡ?
Tại buổi công bố Báo cáo thị trường BĐS quý II/2022, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, khung pháp lý “3 chưa” đã khiến mức độ quan tâm đến BĐS nghỉ dưỡng có dấu hiệu giảm mạnh.
Thứ nhất đó là chưa có khái niệm cụ thể về BĐS du lịch trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh BĐS. Thứ hai là chưa quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đưa ra và thực hiện cam kết lợi nhuận khi chào bán các sản phẩm trong các dự án BĐS du lịch. Thứ ba là chưa công nhận quyền sở hữu hợp pháp (sổ hồng) cho nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy vậy, số lượng dự án BĐS nghỉ dưỡng trong nửa đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do tiềm năng dài hạn từ thị trường du lịch, quỹ đất dồi dào ngoài ven và các tỉnh, thành phố du lịch so với khu vực trung tâm vốn đã đạt tới ngưỡng bão hòa. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng mong chờ khung pháp lý hoàn chỉnh như cấp giấy chứng nhận sử hữu qua các dự thảo luật trong thời gian tới.
“Trong ngắn hạn, các dự án BĐS nghỉ dưỡng đối mặt với khó khăn, chi tiêu du lịch bị ảnh hưởng bởi biến động tiêu cực trên thế giới, tín dụng vào BĐS nghỉ dưỡng bị siết. Mặc dù vậy, về dài hạn, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng và với các nhà đầu tư, nhiều khi mọi thứ chưa rõ ràng lại là cơ hội của họ”, ông Quốc Anh nhận định.
Động lực từ du lịch
Kể từ khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch bắt đầu mở cửa trở lại khiến cho nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân tăng cao. Theo đó, BĐS nghỉ dưỡng cũng được hưởng lợi, tạo đà cho sự phục hồi.
Nên nhớ, trước dịch Covid-19, Đông Nam Á là một trong những điểm đến du lịch rất được ưa chuộng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị trường nội địa và quốc tế với 4 năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số (tính đến năm 2019). Tuy nhiên, khi dịch bùng nổ, giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới là những đòn giáng mạnh mẽ đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC phân tích: “Từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại, bao gồm các hoạt động du lịch quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế. Chúng ta đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi. Các khách sạn trong thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua. Tuy giá phòng và công suất của các khách sạn vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch và so với một vài điểm đến khác trong khu vực nhưng nhìn chung hai chỉ số này đều có xu hướng cải thiện”.
Cũng theo vị chuyên gia này, sau dịch, không thể không đề cập đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung lớn tại một số địa điểm du lịch ở Việt Nam. Đặc biệt, ông dự báo số lượng dự án mang thương hiệu khách sạn của nhà điều hành quốc tế và khu vực dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025. Điều này có thể gia tăng áp lực cạnh tranh về giá tại một số điểm đến cũng như về nguồn nhân lực của ngành khách sạn Việt Nam.
Bên cạnh đó, bộ phận khách du lịch trong nước và quốc tế dần ý thức hơn về tính bền vững trong hoạt động du lịch, có thể kể đến như việc bảo tồn yếu tố cộng đồng, văn hóa bản địa và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Do đó, các dự án chú trọng yếu tố bền vững có thể giúp nhiều chủ đầu tư gia tăng lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn vận hành.