KTS Ngô Viết Nam Sơn: 'Đà Nẵng rất cần nhà cao tầng'

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi phát triển cao ốc, thành phố Đà Nẵng sẽ có được quỹ đất lớn để dành cho hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian xanh…

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.Dà
Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.Dà

Việc phát triển nhà cao tầng khu vực trung tâm ở các thành phố lớn nói chung và Đà Nẵng nói riêng luôn có nhiều quan điểm trái chiều. Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng tư vấn thiết kế đô thị tại châu Á và Bắc Mỹ.

- Có ý kiến xây nhà cao tầng là tạo áp lực cho đô thị, nhưng cũng có quan điểm cho rằng đó không phải là lỗi của cao ốc. Đà Nẵng có thời điểm hạn chế nhà cao tầng ở trung tâm thành phố. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Cách phát triển chủ yếu với nhà phố dàn trải hiện nay của Đà Nẵng không phải là cách phát triển tốt. Nhìn trên máy bay xuống, Đà Nẵng phát triển nhà phố quá nhiều, như những hộp diêm, trong khi rất thiếu không gian xanh.

Khi phát triển nhà cao tầng, Đà Nẵng sẽ có giải pháp tốt hơn cho vấn đề này. Nói xây nhà cao tầng sẽ tạo áp lực cho đô thi là chưa hiểu về nhà cao tầng, đặc biệt là đối với Đà Nẵng. Tôi cho rằng, Đà Nẵng rất cần nhà cao tầng, được hiểu là nhà từ 9 - 15 tầng trở lên. Lý do là quỹ đất của Đà Nẵng rất giới hạn, không có nhiều. Đa số đất của Đà Nẵng là đất đồi núi, không xây dựng được. Đất bằng để xây dựng không có nhiều nên quỹ đất xây dựng bị giới hạn. Thay vì xây các khu nhà phố chỉ toàn 3 - 4 tầng, Đà Nẵng nên phát triển các khu nhà hỗn hợp có cả nhà cao tầng, từ 3 đến 15 - 30 tầng, bởi vì khi làm nhà cao tầng, thành phố mới có thể dành ra được quỹ đất lớn cho không gian xanh, hệ thống hạ tầng xã hội, giao thông công cộng…

Đà Nẵng là một đô thị biển nhưng hiện vẫn chưa có quảng trường, công viên xứng tầm. Đây là một thực trạng mà chỉ có cách chỉnh trang đô thị với nhà cao tầng mới tạo ra đủ quỹ đất công cộng phục vụ cộng đồng.

- Vậy theo ông, Đà Nẵng cần phát triển nhà cao tầng như thế cho hợp lý?

Nhà cao tầng chỉ không tốt khi quy hoạch xây dựng sai chỗ, thiếu hạ tầng kỹ thuật, thiếu không gian xanh và thiếu không gian công cộng. Nhà cao tầng cũng không tốt khi vi phạm không gian an toàn bay, phá hỏng không gian di sản. Đà Nẵng có rất nhiều cơ hội để xây dựng nhà cao tầng một cách bền vững, làm đẹp cho đô thị và tăng giá trị cho đô thị.

Cách phát triển nhà cao tầng ở Đà Nẵng khác với TP. HCM và Hà Nôi. Đà Nẵng có thuận lợi là không mâu thuẫn với không gian di sản. Ở Hà Nội và TP. HCM, đặc biệt là khu nội thành, di sản khá nhiều, nếu xây nhà cao tầng vào đó thì sẽ phá mất không gian di sản. Đà Nẵng không có nhiều không gian di sản. Đây là lợi thế về tiềm năng phát triển đô thị mới, bởi việc xây dựng nhà cao tầng không bị giới hạn.

Hạn chế lớn nhất của Đà Nẵng là phát triển nhà cao tầng phải phù hợp với phễu bay của sân bay Đà Nẵng. Phễu bay lấy sân bay làm trung điểm, như vậy sẽ có một góc nghiêng từ sân bay trở ra để đảm bao an toàn bay, cất hạ cánh. Nhà cao tầng không được cao hơn phễu bay này. Trước đây, đã từng có mong muốn dời sân bay Đà Nẵng đi nơi khác để làm dự án địa ốc, nhưng điều này không khả thi vì không thể tìm được khu đất thỏa mãn 2 điều kiện để xây dựng sân bay mới: một là phải nằm trong bán kính 40km từ trung tâm Đà Nẵng, hai là phải nằm trong Đà Nẵng. Không làm được như vậy, Đà Nẵng sẽ mất vị thế ngay, vì bắt khách du lịch đi quá xa từ sân bay đến thành phố, dần dần ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề phát triển của Đà Nẵng.

Người ta từng nghĩ đến phương án di dời sân bay Đà Nẵng vào sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Chu Lai có điểm mạnh là quỹ đất nhưng điểm yếu là không nằm trong Đà Nẵng và khoảng cách tới trung tâm Đà Nẵng quá xa, hơn 100km. Sân bay chính của một đô thị không thể xa hơn 100km, sân bay thứ 2 thì được chứ còn sân bay thứ nhất không thể xa hơn 100km.

Do đó, tôi đã khuyến nghị thành phố giữ lại sân bay, kèm theo kế hoạch phát triển bền vững theo khái niệm đô thị sân bay của thế kỷ XXI, trong đó quy hoạch đô thị và quy hoạch sân bay gắn liền hài hòa với nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất này và sau đó đã phê duyệt quy hoạch Đà Nẵng bao gồm khu đô thị sân bay.

- Ông có thể giới thiệu mô hình đô thị sân bay mà nước ngoài đang áp dụng không?

Với tiến bộ kỹ thuật hàng không và phương pháp quy hoạch tiên tiến, Đà Nẵng vẫn có thể phát triển thành đô thị sân bay tương lai, hài hòa với phát triển nhà cao tầng, như nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới như Boston, Amsterdam, Singapore, Dubai…

Tôi thấy ở nước ngoài có rất nhiều đô thị sân bay, nhà cao tầng gắn liền với sân bay, ví dụ ở thành phố Boston của Mỹ, sân bay nằm rất gần khu trung tâm. Khu trung tâm cao tầng của Boston nằm ở đâu thì sân bay nằm gần đó, hạ cánh là thấy trung tâm ngay bên cạnh. Nó hài hòa với nhau, Sân bay và đô thị đều có thể tiếp tục phát triển trong tương quan hài hòa với nhau..

KTS Ngô Viết Nam Sơn: 'Đà Nẵng rất cần nhà cao tầng' - Ảnh 1

- Có ý kiến cho rằng Đà Nẵng muốn trở thành một Singapore thì cần phải có nhà cao tầng, ông nghĩ sao?

Đô thị hiện đại là phải có nhà cao tầng, chuyện đó là tất nhiên. Nhưng nhà cao tầng mà xây dựng chen chúc, quá tham lam lợi ích mà không dành đất cho không gian xanh và hạ tầng xã hội chỉ tạo nên các khu ổ chuột cao tầng trong tương lai mà thôi.

Ví dụ trên cùng một khu đất, thay vì chọn xây 100 nhà phố 3 tầng, chúng ta có thể chọn xây khoảng 10 nhà cao tầng trên 1/4 diện tích đất thôi, để dành 2/3 diện tích đất cho công viên, trường học, dịch vụ... Còn nếu tham lam chuyển 100 nhà phố thành 100 nhà cao tầng thì không gian sẽ trở nên bức bối, chật hẹp, thiếu hạ tầng xã hội, ngập nước, kẹt xe...

Singapore tuy quỹ đất không lớn nhưng họ theo nguyên tắc làm nhà cao tầng và không gian xanh nói trên, khiến cho ai tới Singapore cũng cảm nhận được tuy nhà rất cao nhưng không gian rất xanh, thoáng đãng, với hệ thống dịch vụ đô thị hiện đại đầy đủ.

- Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Vậy Đà Nẵng cần quy hoạch đô thị như thế nào để đáp ứng được những yêu cầu trên?

Phải thấy rằng, Đà Nẵng trong thập niên vừa qua đã có một giai đoạn phát triển khá ấn tượng. Hệ thống hạ tầng phát triển mạnh so với những đô thị ven biển miền Trung như: Huế, Quảng Nam, các địa phương khác. Đi liền đó, đô thị cũng phát triển rất mạnh, tạo nên một bộ mặt văn minh, hiện đại cho Đà Nẵng.

Tuy nhiên, giai đoạn sắp tới, Đà Nẵng có nhiều thử thách rất lớn. Đầu tiên là phát triển đô thị sân bay, trong đó phát triển nhà cao tầng phải hài hòa với phát triển sân bay. Tôi nghĩ Đà Nẵng chỉ nên phát triển sân bay đến giới hạn khoảng 30 triệu hành khách/năm, chứ không nên cao như TP. HCM và Hà Nội (100 triệu hành khách/năm). Khi nhu cầu gia tăng, phải tính đến việc xây dựng hệ thống giao thông liên kết sân bay Đà Nẵng với các sân bay khác trong vùng đô thị. Vùng phía nam của Đà Nẵng gần Hội An được khuyến khích dùng sân bay Chu Lai (Quảng Nam), còn vùng phía bắc Đà Nẵng được khuyến khích dùng sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế).

Thử thách thứ hai là phát triển nhà cao tầng gắn với giao thông công cộng theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), bởi vì Đà Nẵng bắt đầu kẹt xe rồi. Nếu bây giờ không lo cho giao thông công cộng thì sau này, Đà Nẵng kẹt xe không thua gì TP. HCM.

Thử thách thứ ba là phải phát triển không gian xanh với công trình công cộng. Đà Nẵng là thành phố biển nhưng không gian xanh rất ít, công nhiều không nhiều.

Thử thách thứ tư là phát triển kinh tế biển bền vững, gắn liền với các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường. Ví dụ khi Đà Nẵng phát triển cảng Liên Chiểu lớn lên, phải tính đến việc xử lý ô nhiễm vịnh Đà Nẵng thế nào? Hay là khi phát triển về phía núi, làm sao giữ được giá trị môi trường và giá trị cảnh quan của núi Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.

Thử thách cuối cùng là tối ưu hóa quỹ đất của Đà Nẵng. Hiện thành phố có rất nhiều dự án tuy cấp phép đã lâu nhưng không triển khai, hoặc tiến hành quá chậm, chính quyền thành phố nên có giải pháp thu hồi. Thành phố chỉ nên giao đất cho nhà đầu tư làm dự án thực sự, còn những nhà đầu tư xin phép rồi để đó, để hưởng lợi từ giá trị địa tô của đất chứ không làm dự án, thành phố phải có kế hoạch thu hồi.

Tôi nghĩ rằng việc vượt qua những thử thách lớn đó với các giải pháp bền vững, sẽ tạo ra nhiều cơ hội vàng cho Đà Nẵng trong giai đoạn tăng tốc phát triển sắp tới.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance