Lại lo ngại 'sốt đất' mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán?

Nhiều chuyên gia đánh giá cứ đến thời điểm cận Tết Nguyên đán mỗi năm là thị trường bất động sản lại được dịp sôi động, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ‘sốt’ đất trong ngắn hạn.

Lại lo ngại 'sốt đất' mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán? - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc R&D DKRA Vietnam, thời điểm trước và sau Tết, hoạt động giao dịch bất động sản thường rất tích cực, sôi động. Lượng giao dịch mà DKRA thống kê được qua các sàn luôn cao hơn so với các quý khác.

Quay trở lại với thời điểm trước năm 2018 thường có những cơn sốt đất diễn ra trước và sau Tết bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hai năm trở lại đây, những cơn sốt đất trên diện rộng hoặc sốt đất thật sự rất ít.

Theo ông Hoàng, đến năm nay, dịch Covid-19 gây ra những biến động về kinh tế, thu nhập,… khiến thị trường thứ cấp không sôi động nên chưa có tình trạng mọi người đổ xô đi mua đất nền như những giai đoạn trước.

Trước lo ngại của dư luận về cơn sốt đất tiếp tục diễn biến vào sát Tết Nguyên đán 2022, ông Nguyễn Hoàng cho biết, nếu gọi là sốt đất trên diện rộng hoặc sôi động như những năm trước thì hầu như không có.

Sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng qua đi rất nhanh, khoảng một tuần đến 10 ngày là hết. Bởi vì nhiều nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông.

Cũng theo ông Hoàng, gọi là cơn sốt đất thì cũng không đúng, mà ở một số khu vực, hoặc một số địa phương sẽ có sự sôi động và được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là ở những nơi gần các dự án hạ tầng giao thông hoặc những nơi mà sắp có sự chuyển đổi về mặt đô thị.

“Vì vậy, những năm vừa qua, đất đai tại các khu vực gần sân bay Long Thành hoặc các tuyến đường cao tốc mà nhà nước đang chuẩn bị đầu tư được hưởng lợi và có những tiềm năng phát triển trong tương lai,… sôi động hơn”.

Nhưng sẽ khó có sốt đất, bởi nhiều nhà đầu tư hiện nay thận trọng hơn trong việc quan sát thị trường. Hơn nữa, thị trường thứ cấp – tức mua đi bán lại, cũng kém sôi động. Thông thường thị trường thứ cấp phải sôi động thì mới tác động đến thị trường sơ cấp là những người mua ban đầu”, ông Hoàng phân tích.

Mặc khác, ông Hoàng đánh giá các chính sách của nhà nước về việc kiểm soát dòng vốn cho vay bất động sản cũng hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường này. Khi tác động đến sức mua sẽ giảm khả năng xảy ra sốt đất.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & Phát triển