Lãi suất ngày càng tăng cao, có nên vay ngân hàng mua nhà đất thời điểm này?
Trong bối cảnh lãi suất cho vay tại các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm trí được dự báo sẽ còn tăng từ giờ đến cuối năm thì điều được nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này là liệu có nên vay ngân hàng để mua bất động sản vào thời điểm này hay không?
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay
Quay trở lại thời điểm năm 2021, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay mua nhà để kích thích nhu cầu vay vốn thì nay các nhà băng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay từ 1 - 2%/năm. Người vay mua nhà thời điểm này đã phải gánh lãi cao hơn 30% so với cùng kỳ.
Lấy đơn cử một số ngân hàng như Shinhan Bank tăng lãi suất cho vay mua nhà cố định 1 năm vay đầu tiên từ 6,2%/năm lên 8,2%/năm; cố định lãi suất vay 36 tháng lên 8,9%/năm thay vì mức 7,6%/năm; lãi suất cho vay cố định 60 tháng lên 9,5%/năm thay vì 7,8%/năm.
Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cũng tăng mạnh lãi suất cho vay mua nhà từ mức 6,49% năm trong tháng trước lên 7,69%/năm trong tháng này. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà thêm 0,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất từ 8,7%/năm.
Là ngân hàng có mức lãi suất cho vay năm 2021 ở mức thấp, chỉ 5,9%/năm nhưng những tháng gần đây, TPBank liên tục tăng lãi suất cho vay mua nhà đất. Cụ thể, cách đây hơn 1 tháng, lãi vay mua nhà ở mức 7,9%/năm ưu đãi trong 6 tháng đầu và 8,9%/năm cố định trong 12 tháng thì nay nhà băng này đã tăng lên mức tương ứng 8,5%/năm và 9,5%/năm.
Đáng nói, nếu như 1 năm trước, các chương trình lãi suất cho vay ưu đãi đối với mua bất động sản được ồ ạt đưa ra thì nay đã âm thầm biến mất.
Hay như PVcombank là ngân hàng có mức lãi suất cho vay mua nhà đất thấp nhất trên thị trường từ năm 2021 ở mức 5%/năm đến nay. Thế nhưng nhà băng này cũng đang cân nhắc tính toán điều chỉnh lãi suất vay sao cho phù hợp với thị trường trong thời gian tới.
Riêng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đang được ngân hàng giữ ổn định từ 5,5 - 8%/năm. Đơn cử như, Vietcombank cho cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động với mức lãi suất từ 5,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng, 6,1%/năm đối với khoản vay từ 6 - 9 tháng; 6,6%/năm với khoản vay từ 10 - 12 tháng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lãi suất cho vay ưu đãi từ 5,6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 6,3%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trung dài hạn. Tuy nhiên cũng có một số ngân hàng tăng nhẹ lãi vay đối với doanh nghiệp từ 5,5%/năm lên 6%/năm.
Giới phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới room tín dụng. Như vậy, lãi suất huy động trong cả năm 2022 có thể tăng từ 1-1,5%. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn khi tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34% kể từ ngày 1/10 tới đây. Chi phí vốn bình quân vì thế sẽ bị đẩy lên cao, kéo theo áp lực tăng lãi suất đầu ra.
Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, lãi suất huy động thời gian qua buộc phải tăng nhanh để hút dòng tiền trở lại sau 2 năm neo ở mức thấp. Dù cuộc đua tăng lãi suất này không quá lo ngại nhưng áp lực điều chỉnh lên lãi suất cho vay là không thể tránh khỏi. Mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất hoặc giảm lãi vay từ 0,5-1%/năm trong bối cảnh này là không dễ dàng.
"Lãi suất cho vay sớm muộn cũng phải điều chỉnh tăng nhưng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ chỉ tăng thêm ở mức từ 0,5-1%," ông Thịnh nhận định.
Vậy có nên vay ngân hàng mua nhà thời điểm này hay không?
Như đã đề cập ở đầu bài, người vay mua nhà thời điểm này đã phải gánh lãi cao hơn 30% so với cùng kỳ. Do đó, nếu có ý định vay ngân hàng để mua nhà thời điểm này thì chúng ta không nên vay tiền đến 70% - 80% giá trị tài sản để mua, dù sản phẩm nhà đất đó có rẻ hay tiềm năng đến đâu.
Đây cũng chính là lời khuyên của chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang. "Bởi, nguyên tắc với bất động sản, kể cả với hàng hóa cũng vậy, là bán trước khi mua. Mình mua rẻ mà bán không được cũng hình thành chi phí rất lớn. Nếu ôm ngân hàng nữa, thì rất rủi ro", ông Quang nói.
Thêm vào đó, hiện tại thị trường bất động sản đang giao dịch chậm lại mà sản phẩm mua được giá tốt, muốn bán ra cũng đã hơi khó, ngay cả khi mua được sản phẩm giá rẻ thì cũng khó bán được nhanh ở thời điểm này. Nói như vậy để chúng ta thấy, người đầu tư nên tính đến phương án ngắn hạn - trung hạn - dài hạn.
"Mua bất động sản để dài lâu thì đó phải là nguồn tiền nhàn rỗi. Không dùng tiền vay, không phạm vào chi phí để đảm bảo 12 tháng mà vẫn còn dư tiền thì cũng nên đầu tư. Để lựa được bất động sản tốt thì cực kỳ khó, nhưng chúng ta đang trong thời điểm của người mua, vì giao dịch bất động sản đã ít đi rồi", ông Quang dành lời khuyên.
Theo các chuyên gia trong ngành, trên thị trường bất động sản, khá nhiều nhà đầu tư sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư hoặc mua bất động sản. Họ căn cứ vào thu nhập hàng tháng để trả lãi – gốc cho ngân hàng. Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít người ngập trong nợ nần vì những biến cố khách quan xảy ra, ngoài dự đoán. Mức vay tối đa chỉ nên khoảng 20-30% giá trị sản phẩm; thậm chí, một số chuyên gia cho rằng, lúc này, tốt nhất nếu có tiền nhàn rỗi hãy đầu tư bất động sản.
Lấy một ví dụ điển hình như trường hợp của anh Nam (Hà Nội) đã quyết định vay 1,3 tỷ đồng, tương đương 50% tổng giá trị, để mua một căn hộ có diện tích 70m2 tại Bắc Từ Liêm. Ở tuổi 29, việc có được căn nhà đầu tiên từng là niềm tự hào của Nam, nhưng nay lại trở thành cơn “ác mộng”.
Cụ thể, theo anh Nam, khoản vay của anh từ tháng 6/2020 có lãi suất 5,8%, ưu đãi trong 12 tháng đầu, đến giữa năm 2021 lãi suất thả nổi tăng lên 8%, và thời gian tới dự báo tăng lên gần 10%/năm.
“Sau một năm, hết ưu đãi, tôi bắt đầu phải trả lãi, cộng thêm nợ gốc, hiện mỗi tháng tiêu tốn gần 25 triệu đồng. Gánh nặng từ chi phí sinh hoạt của cả nhà (hai vợ chồng và 1 con nhỏ), vật giá liên tục leo thang, chưa kể lãi suất theo xu hướng tăng khiến tôi gần như kiệt sức”, anh Nam thổ lộ.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Quốc Trung (Gia Lâm) đau đầu vì phải cân nhắc các gói vay mua nhà, vì các ngân hàng thắt chặt tín dụng, hạn mức giảm, lãi suất tăng.
Anh Trung cho biết, hồi tháng 3/2022, anh tìm hiểu tại một ngân hàng thuộc nhóm Big 4, có gói vay ưu đãi lãi suất 8,1% trong vòng 2 năm đầu, sau đó thả nổi khoảng 10%. Vì nhiều lý do nên anh còn chần chừ, đến nay thì lãi suất của gói vay này tăng lên 9,7%, sau 3 năm thả nổi.
Nói đến câu chuyện vay ngân hàng mua nhà đất, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, thực tế đã có khá nhiều nhà đầu tư mua miếng đất giá 2 tỷ đồng, sau 1 năm tăng giá lên 2.5 tỉ đồng là chuyện bình thường. Với việc tăng giá khoảng 20-25% trong vòng một năm trong khi lãi suất vay ngân hàng khoảng 8-10%, tiền gửi 5-6% thì bỏ tiền vào bất động sản là cách nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Theo vị chuyên gia này, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng ít vẫn tham gia vào thị trường bất động sản lúc khó khăn. Các nhà đầu tư có dòng vốn tầm 75% tổng số tiền có thể mua được bất động sản, theo ông Khương, các nhà đầu tư này có xu hướng vay thêm 25% để mua bất động sản lúc này. Giữ nó trong vòng 1 năm và bán ra với giá trị sinh lời từ 20-25% là chuyện bình thường khi thị trường phục hồi. Lãi suất tính trên tổng số tiền vay trong vòng 1 năm không bao nhiêu so với giá trị sinh lời của bất động sản. Đa số họ sẽ mua vào lúc này và bán ra lúc thị trường tốt lên.